Tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nguồn vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Thứ sáu, 10/03/2023 12:24
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tinh Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn.

Cụ thể là: Tập trung huy động tối đa nguồn lực vốn, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, chủ động hiện đại hóa công nghệ, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và triển khai các hoạt động nghiệp vụ, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp thị mở rộng thị phần cung cấp các dịch vụ ngân hàng; xây dựng chính sách tiếp cận và chăm sóc khách hàng phù hợp. Tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, cải tiến mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở đàm bảo an toàn vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt khoản vay hỗ trợ người dân. Thực hiện mô hình điểm giao dịch lưu động giúp người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn tín dụng được thuận lợi hơn. Nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định, phê duyệt tín dụng; tăng cường giám sát sau cho vay, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích vay vốn của khách hàng. Kịp thời, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An còn chỉ đạo và hướng dẫn các TCTD, chi nhánh TCTD rà soát, hỗ trợ các khách hàng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, đồng thời cho vay mới trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án. Triển khai các Quyết định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường khác và TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thông qua tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Riêng đối với tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ- CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67), Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tham mưu các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình trên địa bàn, như đề xuất tỉnh hỗ trợ chi phí thiết kế 06 mẫu tàu vỏ gỗ để ngư dân tham khảo làm cơ sở đóng mới (Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên s dụng ngân sách đ hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu tàu vỏ g cho ngư dân); phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, các ngân hàng thương mại, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh tổ chức các đợt làm việc với các huyện, thị xã ven biển về việc triển khai Nghị định 67 nhằm nắm bắt tình hình thực tế, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai để có phương hướng chỉ đạo, xử lý hoặc kiến nghị đối với các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết.

Sau khi tiếp nhận các ý kiến phản ánh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM), Chi nhánh NHTM không được yêu cầu ngư dân bổ sung thêm tài sản ngoài tài sản hình thành từ vốn vay mới cho vay; phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo xử lý các vướng mắc trong quá trình ký kết, thực hiện đồng tín dụng; trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình, Chi nhánh đã phối hợp cùng với các thành viên trong Ban chỉ đạo cùng các NHTM trên địa bàn tham gia học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện Nghị định 67 đặc biệt là triển khai cho vay đóng tàu vỏ sắt; phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, cấp xã của 5 huyện thị ven biển tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động tín dụng thực hiện Nghị định 67 giữa ngành ngân hàng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND cấp huyện, cấp xã tại 5 huyện, thị ven biển.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Thu Thu (người mặc áo vàng) - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An. Nguồn ảnh: https://dukdn.nghean.gov.vn/ 

Còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng nông nghiệp

Chia sẻ thông tin với phóng viên Tạp chí Thanh tra, ông Đoàn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên) mặc dù đã thấp so các lĩnh vực khác song vẫn chưa thực sự hấp dẫn với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao do đặc thù của lĩnh vực này là quy mô đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, rủi ro cao.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn nông thôn có nhu cầu vay vốn lớn nhưng tình hình tài chính yếu, còn thiếu minh bạch, phương án kinh doanh thiếu khả thi, tài sản đảm bảo thường có giá trị thấp dẫn đến không đủ tài sản để vay vốn thế chấp.

Dư nợ cho vay liên kết còn thấp do việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ yếu kém liên quan đến công tác bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương chưa được đẩy mạnh; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quản lý để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết còn hạn chế; khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, không tuân thủ kỹ thuật và cam kết trong hợp đồng liên kết, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân tham gia liên kết.

Mặt khác, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của một bộ phận người dân là các đối tượng chính sách khi vay vốn chưa đầy đủ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, sử dụng vốn vay không hiệu quả, không chấp hành thanh toán nợ gốc, lãi cho ngân hàng khi đến hạn. Việc phối hợp giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương ở cấp huyện, xã, tổ chức chính trị, xã hội và ngành ngân hàng chưa thực sự chuyển biến mạnh. Các chương trình đến nay vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả công tác phối hợp thu hồi nợ chưa cao, như: Nợ xấu một số chương trình tín dụng chính sách còn lớn đặc biệt là cho vay theo Nghị định 67 (nợ xẩu trên 74% tổng dư nợ cho vay Nghị định 67). Bên cạnh đó, việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 29/9/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai còn chậm, việc sản xuất nông nghiệp có những rủi ro, chưa có chính sách phòng ngừa, chưa có bảo hiểm... dẫn đến các NHTM cũng e ngại, khó đẩy mạnh việc đầu tư vốn cho lĩnh vực này.

Kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 17/2018/NĐ-CP

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên nhằm nâng cao hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 17/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 theo hướng: Hỗ trợ ngư dân kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức hỗ trợ như mức đã được quy định tại Nghị định 67. Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu với các điều kiện linh hoạt hơn đảm bảo việc giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi tương ứng với giá trị khoản nợ chủ tàu mới nhận bàn giao lại từ chủ tàu cũ, phần dư nợ chênh lệch giữa dư nợ hiện tại và giá trị thực tế của con tàu cùng các khoản nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh sẽ do chủ tàu cũ tiếp tục chịu trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng hoặc Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ khác. Qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện có hiệu quả cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Xem xét có cơ chế phù hợp nhằm khoanh nợ, xóa nợ cho các khách hàng vay theo Nghị định 67 bị rủi ro khách quan, bất khả kháng.

Kiến nghị Bộ Tài chính

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thực hiện quy tắc bảo hiểm đối với tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 phù hợp với các quy định hiện hành; đồng thời chỉ đạo PJICO tiếp tục bán bảo hiểm cho ngư dân và nhanh chóng chi trả các khoản bảo hiểm cho ngư dân khi gặp rủi ro.

Tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 114/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/8/2014 hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 (đã được sửa đổi, bổ sung) theo hướng bổ sung thêm các nguyên nhân khách quan bất khả kháng là dịch bệnh, rủi ro về mặt pháp lý để ngư dân tiếp tục được hỗ trợ lãi suất khi được các ngân hàng cơ cấu lại nợ do doanh thu, thu nhập sụt giảm vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, hoặc bị ảnh hưởng bởi hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực như hiện nay.

Có ý kiến với Tổng Công ty PJICO xem xét bồi thường thiệt hại cho các tàu cá bị tại nạn (chìm, cháy...), nhưng chưa được Bảo hiếm PJICO bồi thường tai nạn theo Hợp đồng do các nguyên nhân có vi phạm Luật Thủy sản năm 2017 như đã nêu ở trên.

Kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An

Chỉ đạo chính quyền địa phương có ý kiến với các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách, đồng thời chỉ đạo phối hợp lồng ghép kết hợp các chương trình phát triển kinh tế với tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện đúng mục đích, đem lại hiệu quả cho người dân. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp; nắm bắt cụ thể hiệu quả của từng tàu đánh bắt cá vay vốn theo Nghị định 67, có các chế tài xử lý đối với các trường hợp ngư dân có thái độ cố tình không hợp tác, chây ì, không chịu trả nợ ngoài hình thức khởi kiện ra tòa án. Chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh quá trình xét xử các vụ án dân sự liên quan đến tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67; Chỉ đạo Cơ quan thi hành án đẩy nhanh quá trình thi hành án đối với các vụ việc liên quan.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người nông dân hiểu rõ về bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng trong nông nghiệp để giúp cho người dân hạn chế được tối đa các tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nguồn vốn vào nông nghiệp, nông thôn./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra