Bài 1: Một số tổ chức quốc tế và khu vực hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền

Thứ hai, 28/02/2022 17:18
(ThanhtraVietNam) – Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tốc độ luân chuyển luồng vốn giữa các nước tăng mạnh, các hành vi, thủ đoạn rửa tiền cũng biến đổi ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế, khu vực về phòng, chống rửa tiền (PCRT) có vai trò rất quan trọng và ngày càng khẳng định vị trí của mình. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực PCRT.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Organization - Interpol) là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập ngày 07/9/1923 tại Viên (Áo) với mục đích củng cố hoạt động chung của các cơ quan cảnh sát quốc gia. Hiện nay, tổ chức này gồm 188 thành viên là lực lượng cảnh sát của các quốc gia thành viên, nhằm phối hợp các nước với nhau trên mặt trận chống tội phạm quốc tế, như: Buôn người, rửa tiền, buôn bán ma túy, khủng bố...

Interpol hoạt động độc lập theo tôn chỉ tôn trọng chủ quyền các quốc gia thành viên, không can thiệp vào công việc nội bộ. Đối tượng điều tra chỉ là tội phạm hình sự. Một trong những nhiệm vụ chính của Interpol là giúp lực lượng cảnh sát của các nước thành viên trao đổi thông tin về tội phạm, trong đó có thông tin về đối tượng đang bị truy nã, tội phạm chiến tranh, tội phạm khủng bố…

Các thông báo truy nã quốc tế của Interpol đã và đang được nhiều nước thành viên coi là tài liệu pháp lý trong việc truy bắt tội phạm bỏ trốn. Mặt khác, Interpol được coi là một kênh thông tin chính thức để thông báo yêu cầu dẫn độ của rất nhiều nước tham gia các hiệp định dẫn độ song phương hoặc đa phương như Hiệp ước dẫn độ trong phạm vi châu Âu, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS)...

Thông qua việc hệ thống và điện tử hóa các loại thông báo của mình, Interpol đang dần xã hội hóa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có hoạt động rửa tiền và những vấn đề liên quan đến trật tự xã hội, góp phần đắc lực cho cảnh sát gần 200 quốc gia thành viên hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, đồng thời, góp phần không nhỏ vào phòng, chống rửa tiền trên phạm vi bố toàn cầu hiện nay.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF)

FATF (Financial Action Task Force) là một tổ chức liên chính phủ, có chức năng đưa ra các tiêu chuẩn, xây dựng và phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. FATF được thành lập tại Paris năm 1989 bởi nhóm G7, nhằm phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế đối phó với việc rửa tiền.

Rửa tiền là việc xử lý tiền do phạm tội mà có nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của chúng để hợp pháp hóa những món lợi thu được một cách bất chính từ hành vi phạm tội. Chính vì vậy, FATF giúp các nước thành viên ban hành các quy định về PCRT và tài trợ khủng bố, luật chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. FATF chịu trách nhiệm tạo ra phần lớn các tiêu chuẩn chống rửa tiền và nó đã tạo ra một khuôn khổ cho các nước thực hiện. Đồng thời, FATF thúc đẩy những biện pháp chống rửa tiền và đánh giá các nước trong việc phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm đảm bảo các nước thực hiện hệ thống pháp luật đó một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Các khuyến nghị của FATF đưa ra khuôn khổ các biện pháp toàn diện và gắn bó chặt chẽ mà các quốc gia cần thực hiện nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, cũng như tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có khung pháp lý, cơ chế hành chính, hoạt động đa dạng và hệ thống tài chính khác nhau nên không thể thực hiện tất cả các biện pháp giống nhau nhằm chống lại các hiểm họa này. Vì thế, FATF đưa ra các khuyến nghị là các chuẩn mực mà các quốc gia cần thực hiện thông qua các biện pháp phù hợp với tình hình cụ thể của quốc gia mình. Các khuyến nghị của FATF thiết lập các biện pháp thiết yếu mà các quốc gia cần có.

40 khuyến nghị ban đầu của FATF bản lần đầu được đưa ra vào năm 1990 như là sáng kiến nhằm chống lại việc lạm dụng hệ thống tài chính bởi những đối tượng rửa tiền từ ma túy. Năm 1996, các khuyến nghị đã được sửa đổi lần đầu nhằm phản ánh sự tham gia của xu hướng, kỹ thuật rửa tiền và nhằm mở rộng phạm vi vượt ra ngoài hành vi rửa tiền từ ma túy. Tháng 10/2001, FATF mở rộng quyền hạn nhằm giải quyết các vấn đề về tài trợ cho hành động khủng bố, tổ chức khủng bố và thực hiện một bước quan trọng là đưa ra 8 khuyến nghị đặc biệt (sau này mở rộng thành 9 khuyến nghị đặc biệt) về tài trợ cho khủng bố. Các khuyến nghị của FATF được sửa đổi lần thứ hai vào năm 2003, những khuyến nghị này cùng với những khuyến nghị đặc biệt đã được 180 nước phê chuẩn và được thừa nhận là chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố (AML/CFT).

Năm 2008, chức năng, nhiệm vụ của FATF đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển mới của hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, 4 chức năng chủ yếu của FATF là: Theo dõi tiến độ thực hiện các biện pháp chống rửa tiền của các thành viên; tổng kết và báo cáo về xu hướng, thủ đoạn rửa tiền và các biện pháp chống rửa tiền; thúc đẩy việc chấp thuận và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị và tiêu chuẩn của FATF về chống rửa tiền trên toàn cầu; thu hút các tổ chức có liên quan và các thành viên trên khắp thế giới tham gia chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Trên cơ sở các khuyến nghị của FATF, các quốc gia cần phải xác định, đánh giá, hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình.

FATF cho rằng, mỗi nước phải có một cơ quan chịu trách nhiệm về điều tra rửa tiền. Tính hiệu quả của các hệ thống chống rửa tiền của một nước phụ thuộc vào một hệ thống thông tin hữu ích. Do đó mỗi nước phải duy trì các kênh thông tin, thống kê về tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động điều tra cùng các khía cạnh khác nhau của hoạt động đó.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần phải yêu cầu các tổ chức tài chính và ngành nghề phi tài chính được chỉ định xác định, đánh giá và thực hiện các hành động có hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 190 quốc gia trên toàn cầu đã cam kết thực thi các khuyến nghị của FATF thông qua mạng lưới các tổ chức liên kết khu vực kiểu FATF (FSRB) như Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Lực lượng đặc nhiệm tài chính vùng Caribe (CFATF), Nhóm Á Âu (EAG)...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn brecorder.com)

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC)

Được thành lập năm 1997, trụ sở tại Viên (Áo), UNODC có tiền thân là Chương trình Kiểm soát ma túy (UNDCP) và Trung tâm Ngăn chặn tội phạm quốc tế (CICP) của Liên hợp quốc. Cơ quan này cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia chống lại tội phạm động, thực vật hoang dã.

Theo chức năng nhiệm vụ, hoạt động của UNODC gồm các Chương trình toàn cầu phòng, chống ma túy (sản xuất, buôn bán và các tội phạm liên quan tới ma túy), chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia, chống tham nhũng, chống buôn bán người, chống khủng bố và chống rửa tiền. Trên cơ sở các nguyên tắc đó, UNODC giúp đỡ các quốc gia đấu tranh chống ma túy, tội phạm và khủng bố, chống rửa tiền... Hiện nay, các lĩnh vực UNODC tập trung ưu tiên hỗ trợ bao gồm:

Các tổ chức khu vực FSRBs (FATF - Style Regional Bodies)

Cùng với FATF còn có một số lực lượng quốc tế khác đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Những nhóm này được tổ chức theo vùng địa lý hoặc theo những mục đích đặc biệt của tổ chức.

Theo TS. Hà Việt Hưng, Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, mục tiêu của FSRBs là chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. FSRBs có 3 chức năng chính, gồm: Thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 Khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ khủng bố của FATF; thực hiện việc đánh giá chéo giữa các nước thành viên để xác định và giúp các nước thành viên khắc phục những điểm yếu trong chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; cung cấp cho các nước thành viên thông tin về các xu hướng, thủ đoạn và những diễn biến khác của hoạt động rửa tiền trong các Báo cáo về thủ đoạn rửa tiền hàng năm.

FSRBs là các tổ chức mang tính tự nguyện và hợp tác. Tư cách thành viên được mở cho tất cả những quốc gia hoặc các nước và vùng lãnh thổ trong một khu vực địa lý cam kết sẵn sàng tuân thủ các quy tắc và mục đích của tổ chức. Một số thành viên của FATF cũng là thành viên của FSRBs.

Những FSRBs hiện đang được FATF thừa nhận, bao gồm: Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); Lực lượng đặc nhiệm tài chính khu vực Caribe (CFATF); Hội đồng Ủy ban Châu Âu lựa chọn các chuyên gia đánh giá các biện pháp chống rửa tiền (MONEYVAL); Nhóm chống rửa tiền khu vực Đông và Nam Phi (ESAAMLG); Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền khu vực Nam Mỹ (GAFISUD).

Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)

APG là một tổ chức liên chính phủ, bao gồm 41 thành viên, tập trung vào việc đảm bảo các thành viên của mình thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Được thành lập vào năm 1997 với 13 thành viên sáng lập (gồm: Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ và Vanuatu), ngay lập tức, các thành viên sáng lập nhất trí ban hành điều khoản tham chiếu. Đây được xem như “hiến pháp” của APG, trong đó chỉ rõ tổ chức APG là một tổ chức mang tính tự nguyện và hợp tác trong lĩnh vực chống rửa tiền.

Chức năng của APG

APG có 5 chức năng chính là:

Đánh giá việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của các thành viên thông qua một chương trình đánh giá chéo lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên;

Phối hợp song phương với các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để nâng cao việc chấp hành đầy đủ các tiểu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của các thành viên;

Tích cực tham gia và mở rộng quan hệ hợp tác với hệ thống các tổ chức chống rửa tiền quốc tế, đặc biệt là với FATF và tổ chức vùng kiểu FATF khác;

Nghiên cứu, phân tích những thủ đoạn mới về rửa tiền và xu hướng chống tài trợ khủng bố, trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp cho các tổ chức thành viên APG;

Thực hiện tốt vai trò thành viên tích cực trong FATF để góp phần xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Cơ cấu tổ chức của APG

Tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất của APG được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 3/1998, các thành viên đã thống nhất thành lập Ban Quản trị gồm 2 Chủ tịch, đồng chủ trì hội nghị. Một Chủ tịch được nắm giữ bởi Australia, đồng Chủ tịch luân phiên với nhiệm kỳ 2 năm do 1 thành viên APG khác nắm giữ. Giúp việc cho Ban Quản trị APG có Ban điều hành và Ban Thư ký.

Nhiệm vụ của Ban điều hành là tham mưu cho Ban Quản trị và các thành viên những lời khuyên mang tính chiến lược liên quan đến cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và việc hỗ trợ các thành viên của tổ chức APG về vấn đề chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Các thành viên của Nhóm điều hành bao gồm những người đại diện đến từ 5 tiểu khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm: Khu vực Bắc Á; quần đảo Thái Bình Dương; khu vực Nam Á; khu vực Đông Nam Á và các thành phần khác.

Ban Thư ký được đặt tại trung tâm thương mại của Sydney (Australia). Ban thư ký của APG gồm 10 nhân viên thường trực, đứng đầu là Thư ký điều hành. Ban Thư kí có nhiệm vụ giúp Ban Quản trị trong việc thực hiện chức năng điều hành; phối hợp hướng dẫn các thành viên APG tiến hành đánh giá chéo về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; thực hiện chiến lược hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo đối với các thành viên APG; cung cấp các tài liệu nghiên cứu về AML/CFT và các vấn đề mới nổi khác cho tất cả các thành viên cũng như các tổ chức có liên quan; tổ chức Hội nghị thường niên của APG và các cuộc họp khác…

Hoạt động của APG

Hàng năm, APG tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo thường niên về các thủ đoạn rửa tiền và các xu hướng tài trợ khủng bố. Hội nghị thường niên APG thường được tổ chức vào giữa năm với thành viên tham dự là các quan chức cao cấp từ các thành viên APG và các tổ chức có liên quan.

Hội nghị thảo luận về kế hoạch chiến lược và chương trình làm việc của APG, tập trung vào các vấn đề: Cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của APG; báo cáo kết quả công tác đánh giá chéo giữa các quốc gia thành viên trong chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; những khó khăn của các thành viên trong quá trình thực hiện các điều khoản; hỗ trợ thành viên liên quan đến các vấn đề đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; ban hành các văn bản nhằm đảm bảo lợi ích cho các thành viên.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 13 được tổ chức từ ngày 12-16/7/2010 tại Singapore, APG đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2010 - 2012 nhằm hỗ trợ các thành viên dưới sự rà soát sâu của Nhóm rà soát các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG).

Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đợt rà soát sơ bộ của APG và đang tích cực chuẩn bị cho đợt rà soát sâu của Nhóm ICRG./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra