Bài 3: Nghị định 116 và Nghị định 87 về phòng, chống rửa tiền – Những nội dung đáng chú ý

Thứ hai, 28/02/2022 20:23
(ThanhtraVietNam) - Nghị định 116/2013/NĐ-CP và Nghị định số 87/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP) không chỉ quy định chi tiết thi hành nhiều trọng tâm của Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) như: Các biện pháp PCRT, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về PCRT, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT và hợp tác quốc tế trong PCRT, mà còn kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định về PCRT tạo hành lang pháp lý để quản lý nhà nước lĩnh vực này thực hiện hiệu quả.

Những đối tượng, lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền

Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 2 Luật PCRT. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến PCRT, bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch với tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này.

Trong nội dung Chương II về các biện pháp PCRT, tại Mục 1, Điều 3 quy định về nội dung quan trọng trong “nhận biết khách hàng”. Theo đó, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác; Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp; Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn. Giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày.

Tiếp đó trong 3 trường hợp: Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo; Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; Khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó, thì tổ chức tài chính cũng phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng.

Nghị định cũng quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới mua, bán bất động sản; đối với chủ sở hữu tài sản trong việc cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.

Hoạt động nhận biết khách hàng cũng được quy định trách nhiệm thực hiện với: Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công chứng, kế toán; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với cổ đông và người đại diện cho cổ đông đó...

Đáng chú ý, Điều 6. Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro của Nghị định nêu rõ: Đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro rửa tiền dựa vào bốn yếu tố.

Thứ nhất, loại khách hàng: Người cư trú hoặc không cư trú; tổ chức hoặc cá nhân; khách hàng thuộc hoặc không thuộc danh sách đen, danh sách cảnh báo; lĩnh vực, phương thức hoạt động, kinh doanh.

Thứ hai, loại sản phẩm, dịch vụ khách hàng sử dụng bao gồm cả dự kiến sử dụng: Dịch vụ tiền mặt hoặc chuyển khoản; dịch vụ thanh toán hoặc chuyển tiền, đổi tiền; dịch vụ môi giới, ủy thác, ủy  quyền; dịch vụ bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ.

Thứ ba, vị trí địa lý nơi khách hàng cư trú hoặc có trụ sở chính: Các nước trong danh sách cấm vận nêu tại các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; các nước trong danh sách công khai không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các khuyến nghị về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố định kỳ; quốc gia hoặc vùng, lãnh thổ được, nhận định có nhiều hoạt động ma túy, tham nhũng, rửa tiền.

Thứ tư, yếu tố khác do đối tượng báo cáo tự xác định và phân loại phù hợp với thực tế phát sinh.

leftcenterrightdel
Một hội nghị tập huấn về Nghị định số 87/2019/NĐ-CP tại địa phương. Ảnh: Internet

Nhận diện các giao dịch có giá trị lớn bất thường, đáng ngờ và cách xử lý

Bên cạnh các quy định về quan hệ ngân hàng đại lý và giao dịch liên quan tới công nghệ mới tại Điều 7 và Điều 8 thì Nghị định cũng quy định giao dịch có giá trị lớn bất thường, giao dịch phức tạp tại Điều 9.

Theo đó, giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 16 Luật PCRT là các giao dịch: Thứ nhất, giao dịch có giá trị lớn bất thường là giao dịch rõ ràng không tương xứng với thu nhập hoặc không phù hợp với mức giá trị giao dịch thường xuyên của khách hàng với đối tượng báo cáo. Thứ hai, giao dịch phức tạp là giao dịch được thực hiện thông qua phương thức không phù hợp với bản chất của giao dịch như: Giao dịch được thực hiện thông qua nhiều bên trung gian, nhiều tài khoản không cần thiết; giao dịch được thực hiện giữa nhiều tài khoản khác nhau của cùng một chủ tài khoản tại các khu vực địa lý khác nhau; bất kỳ giao dịch nào do đối tượng báo cáo nhận định không bình thường và cần có sự giám sát chặt chẽ.

Đáng quan tâm khi có các giao dịch đáng ngờ, được lực lượng chức năng và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thì đối tượng có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền.

Cụ thể, cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có bao gồm: Giao dịch được yêu cầu thực hiện bởi bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tài sản trong giao dịch là tài sản hoặc có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc của cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó, trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội;

Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được rút ra từ việc xem xét và phân tích các dấu hiệu đáng ngờ theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 22 Luật PCRT.

Đối tượng báo cáo có trách nhiệm phát hiện và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các dấu hiệu đáng ngờ khác ngoài các dấu hiệu nêu tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 22 Luật PCRT. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm cập nhật, rà soát và phát hiện theo các dấu hiệu đáng ngờ được Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung theo Khoản 8 Điều 22 Luật PCRT.

Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa hay mới có ý định thực hiện...

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể các nội dung về: Thu thập, xử lý thông tin; Chuyển giao thông tin; Trao đổi thông tin. Trong trường hợp có dấu hiệu hoặc phát hiện những giao dịch đáng ngờ thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể áp dụng các Điều 22 và 23 về trì hoãn giao dịch và phong tỏa tài khoản.

Định kỳ thanh tra, kiểm tra hoặc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan phòng, chống rửa tiền

Một nội dung đáng quan tâm khác của Nghị định 116/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ các cơ quan Nhà nước trong PCRT được quy định tại Chương  III. Trong đó, bên cạnh trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan khác như đã đề cập tại Luật PCRT ở bài trước thì trách nhiệm của Bộ, ngành khác được quy định rõ tại Điều 26.

Theo đó, các Bộ, ngành khác có trách nhiệm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền để: Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực quản lý của mình; Định kỳ đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực quản lý của mình; Chỉ định và đảm bảo cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính, kỹ thuật cho đơn vị đầu mối và đơn vị có trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền thuộc bộ, ngành mình. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị trong hệ thống và đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý của mình triển khai các biện pháp PCRT.

Đặc biệt là các Bộ, ngành có trách nhiệm định kỳ thanh tra, kiểm tra hoặc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan PCRT thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra với cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Song song đó, thông báo cho cơ quan PCRT thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao dịch đáng ngờ nhận được hoặc phát hiện được trong quá trình thanh tra, kiểm tra;  Xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về PCRT.

Hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, tài liệu về phòng, chống rửa tiền

Đây là một nội dung đáng quan tâm khác của Nghị định 116/2013/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể đối với loại thông tin, tài liệu được trao đổi, cung cấp cho đối tác nước ngoài gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, thông tin chung về cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống rửa tiền; thông tin chung về công tác phòng, chống rửa tiền trong từng lĩnh vực; thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền; Thông tin trong các báo cáo chính thức về việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc; Thông tin, báo cáo trong khuôn khổ thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế và bản ghi nhớ mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Tiếp đó là các thông tin: Tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình xử lý các giao dịch đáng ngờ; Tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thông tin khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối tổng hợp trình Chính phủ quyết định.

Văn bản yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu ít nhất bao gồm các thông tin: Tên tổ chức, quốc gia được yêu cầu, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ email; tên tổ chức, quốc gia yêu cầu, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ email; thông tin cụ thể cần trao đổi, cung cấp; cơ sở, lý do yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; chủ thể, mục đích sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp; thời hạn yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; đặc điểm chi tiết vụ việc hỗ trợ cho việc xác định nơi lưu trữ thông tin, tài liệu cần trao đổi, cung cấp; bản sao chứng từ, chứng cứ hoặc phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu; tên, chức danh của người có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu, đóng dấu của tổ chức yêu cầu (nếu có).

Đối với thư, fax yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin phải bao gồm các thông tin: Tên tổ chức, quốc gia được yêu cầu; tên tổ chức, quốc gia yêu cầu, địa chỉ, số fax, địa chỉ email; thông tin cụ thể cần trao đổi, cung cấp; cơ sở, lý do yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; chủ thể, mục đích sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp; thời hạn yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; tên, chức danh của người ký văn bản yêu cầu.

Theo Nghị định, Việt Nam có thể thực hiện tương trợ tư pháp và hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền. Đồng thời, thực hiện hợp tác quốc tế trong việc xác định và phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền theo 2 nội dung chính: Thứ nhất, trình tự, thủ tục xác định, phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền thực hiện theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thứ hai, yêu cầu xác định và phong tỏa tài sản tại Việt Nam của người phạm tội rửa tiền ở nước ngoài phải đáp ứng các nội dung theo yêu cầu tại Điểm a, Khoản 3 Điều 27 Nghị định này và được gửi đến Bộ Tư pháp kèm theo quyết định hoặc bản án của Tòa án tuyên cá nhân có tài sản được yêu cầu xác định và phong tỏa tại Việt Nam là người phạm tội rửa tiền.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phòng, chống rửa tiền

Sau khi có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013, đến ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP.

Theo đó, một số nội dung chủ yếu của Nghị định 87/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

Bổ sung thêm yếu tố để phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro rửa tiền, cụ thể: Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đơn giản đối với những khách hàng được xác định có mức rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố thấp gồm một hoặc tất cả các biện pháp sau: Không thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu có cơ sở nhận biết được mục đích và bản chất từ các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thực hiện, thiết lập; xác thực nhận dạng khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi sau khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh; giảm tần suất cập nhật nhận dạng khách hàng; giảm mức độ theo dõi và kiểm soát giao dịch.

Bổ sung cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có đối với trường hợp giao dịch được yêu cầu thực hiện bởi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Sửa đổi, bổ sung căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố thành căn cứ để nghi ngờ tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố.

Sửa đổi, bổ sung quy định về phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, cụ thể như sau: Đối tượng báo cáo thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án và pháp luật thanh tra có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản và chịu trách nhiệm về quyết định này. Việc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung tối thiểu sau: Tên đối tượng báo cáo phải thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; tên đầy đủ của chủ tài khoản hoặc cá nhân, tổ chức liên quan đến tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tài khoản bị phong tỏa hoặc danh mục tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu và kết thúc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; lý do yêu cầu thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; hoặc theo biểu mẫu trong tố tụng hình sự...

Cùng với Luật PCRT, thì Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều trọng tâm của Luật PCRT và Nghị định số 87/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP) đã hệ thống một số vấn đề trọng tâm như: Các biện pháp PCRT, thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về PCRT, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT và hợp tác quốc tế trong PCRT... Từ đó, hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam thực hiện nghiêm quy định của Luật PCRT.

Bình Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra