Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và TTKB còn xác định các mục tiêu tổng quát khác gồm: Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế PCRT, TTKB (AML/CFT) của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); Tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống TTKB nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Đối với những mục tiêu cụ thể, Kế hoạch hành động quốc gia cũng xác định rõ: Đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn trong nước; Đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống TTKB (40 Khuyến nghị mới của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF)); Đáp ứng được các yêu cầu của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia, công nhận. Và chuẩn bị sẵn sàng cho vòng đánh giá đa phương về cơ chế PCRT và TTKB lần thứ hai của APG đối với Việt Nam diễn ra vào năm 2017.
Đưa nội dung liên quan đến thanh tra về phòng, chống rửa tiền vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành
Kế hoạch hành động quốc gia đã phân công cụ thể từ nội dung hành động; Cơ quan chủ trì; Cơ quan phối hợp và thời gian hoàn thành.
Theo đó, trong nhóm nội dung hành động: Xác định các rủi ro và phát triển các chính sách và hợp tác trong nước, định kỳ 5 năm từ 2015-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có nhiệm vụ chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; Bộ Công an chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về TTKB và Bộ Quốc phòng chủ trì đánh giá rủi ro quốc, gia về tài trợ phổ biến vũ khí .
Cùng thời gian, 3 Bộ trên lần lượt chủ trì, trình Chính phủ: Ban hành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về đánh giá rủi ro về rửa tiền; Ban hành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về đánh giá rủi ro về TTKB; Ban hành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về đánh giá rủi ro về tài trợ phổ biến vũ khí.
Các bộ, ngành có trách nhiệm liên quan cũng phải thực hiện các nhiệm vụ hành động khác như: Xây dựng cơ chế tập trung xử lý các thông tin liên quan đến rủi ro quốc gia trong các lĩnh vực; Phân bổ nguồn lực và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro theo phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi ro; hướng dẫn đối tượng báo cáo theo quy định của Luật PCRT đánh giá rủi ro rửa tiền, TTKB và tài trợ phổ biến vũ khí trong lĩnh vực hoạt động của mình. Kiện toàn, duy trì và tổ chức hoạt động có hiệu quả của Ban Chỉ đạo PCRT (Ban Chỉ đạo). Xây dựng, vận hành cơ chế trao đổi thông tin kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến rửa tiền, TTKB và tài trợ phổ biến.
Kế hoạch hành động quốc gia cũng xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng khác trong các nhóm nội dung hành động về: Rửa tiền và tịch thu tài sản; Áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định; Tăng cường tính minh bạch và sự sẵn có của các thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi của các pháp nhân và thỏa thuận pháp lý; Hỗ trợ hợp tác quốc tế...
Đáng chú ý, trong nhóm nội dung hành động về thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và các biện pháp tổ chức khác: NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác quản lý đối tượng báo cáo sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra các đối tượng báo cáo được xác định có rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố cao (qua đánh giá rủi ro) ít nhất một năm một lần. Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa nội dung liên quan đến thanh tra về PCRT, chống TTKB vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành.
Đánh giá sát rủi ro quốc gia về rửa tiền đến năm 2020
Theo NHNN, trên cơ sở hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia (NRA), Việt Nam xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT, TTKB nhằm khắc phục và giải quyết đối với các rủi ro về rửa tiền, TTKB đã được xác định theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia.
Kết quả NRA sẽ được công khai một phần nhằm giúp khu vực tư nhân hiểu về rủi ro rửa tiền, TTKB thuộc lĩnh vực, ngành nghề mà họ đang làm việc. Đây cũng là cơ sở để giúp các ngành, lĩnh vực đánh giá đúng các biện pháp PCRT, TTKB của ngành mình nhằm giảm thiểu rủi ro được xác định và tăng cường các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Quá trình NRA của Việt Nam được thực hiện từ tháng 12/2016. Thực hiện vai trò đơn vị chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, ngày 09/12/2016 Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 2395/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban điều phối và Quyết định số 2396/QĐ-NHNN về việc thành lập các Nhóm làm việc NRA. Theo đó, Ban điều phối NRA do 01 Phó Thống đốc NHNN làm Trưởng ban.
Theo Quyết định số 2396, có 08 Nhóm làm việc gồm: Nhóm đánh giá nguy cơ, Nhóm đánh giá mức độ tổn thương quốc gia, Nhóm đánh giá lĩnh vực ngân hàng, Nhóm đánh giá lĩnh vực chứng khoán, Nhóm đánh giá lĩnh vực bảo hiểm, Nhóm đánh giá các định chế tài chính khác, Nhóm đánh giá lĩnh vực kinh doanh ngành nghề phi tài chính chỉ định, Nhóm đánh giá các sản phẩm tài chính toàn diện. Riêng Nhóm đánh giá rủi ro về tài trợ khủng bố do Bộ Công an thành lập theo Quyết định số 83/QĐ-BCA-V61 ngày 12/01/2017. Thành viên các Nhóm làm việc NRA bao gồm các cán bộ của NHNN, các bộ, ngành có liên quan gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, đại diện một số tổ chức thuộc khu vực tư nhân gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các học viện và các đơn vị có liên quan khác.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và TTKB do WB xây dựng để thực hiện NRA. WB không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá mà chỉ cung cấp bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và TTKB do WB xây dựng, cung cấp chuyên gia, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tổ chức các buổi hội thảo.
Theo báo cáo tóm tắt Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và TTKB giai đoạn 2012-2017 của NHNN, kết quả đánh giá chính về rủi ro rửa tiền: Sau khi xem xét xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, tiền và tài sản do phạm tội tạo ra và nguy cơ các lĩnh vực trong nền kinh tế bị lạm dụng vào rửa tiền, đã đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền mức TRUNG BÌNH. Sau khi xem xét mức độ dễ tổn thương quốc gia và mức độ dễ tổn thương về rửa tiền của các ngành, lĩnh vực đã đưa ra kết luận mức độ dễ tổn thương về rửa tiền là TRUNG BÌNH CAO. Căn cứ vào biểu đồ đánh giá rủi ro quốc gia, trên cơ sở đó đã đưa ra kết luận rủi ro rửa tiền quốc gia là TRUNG BÌNH CAO.
Căn cứ vào các biện pháp đề xuất trong dự thảo Báo cáo NRA lần 3, Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động NRA giai đoạn 2018 – 2020. Kế hoạch hành động NRA nhằm giải quyết những rủi ro xác định trong Báo cáo đánh giá lần này là những hành động cần thực hiện trong giai đoạn ngắn và trung hạn (2018-2020) nhằm tăng cường cơ chế chống rửa tiền, chống TTKB và chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG vào tháng 10/2019. Đối với những hành động có tính chất dài hạn (5 năm) liên quan đến sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp luật vẫn được đưa vào Kế hoạch hành động NRA giai đoạn 2018-2020 với nội dung nghiên cứu, rà soát. Dự kiến sau khi báo cáo đánh giá của APG về cơ chế PCRT, TTKB của Việt Nam được thông qua vào tháng 7/2020, NHNN với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong APG sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động dài hạn (giai đoạn 2022-2026), bao gồm: (i) Những hành động dài hạn theo kết quả NRA của Việt Nam; và (ii) hành động mà APG khuyến nghị trong đánh giá đa phương năm 2019 nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế PCRT, TTKB của Việt Nam.
Các hành động chính được đưa vào Kế hoạch hành động NRA 2018- 2020 bao gồm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật, các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: các cơ quan điều tra, thực thi pháp luật và giám sát) và các biện pháp tổ chức khác; hợp tác trong nước, các sản phẩm tài chính toàn diện và hợp tác quốc tế.
Từ kết quả phân tích, đánh giá các vấn đề, rủi ro và thách thức về rửa tiền, TTKB được nêu trong báo cáo, có thể thấy những rủi ro được xác định cần được giải quyết ở cấp quốc gia nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương của ngành và tăng cường năng lực quốc gia về chống rửa tiền, chống TTKB.
|
|
Hoạt động đào tạo trực tuyến hướng dẫn sử dụng các Mô-Đun của WB thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, TTKB do WB và Cục PCRT phối hợp tổ chức vào tháng 3,4/2022. Ảnh: Quỳnh Nga |
Chuẩn bị Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống rửa tiền giai đoạn 2022-2026
Đến nay, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT giai đoạn 2022-2026 đang được các bộ, ngành, cơ quan liên quan đóng góp, để hoàn thiện trước khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
Thời gian tới, Kế hoạch hành động quốc gia sẽ được xem xét, thông qua và cung cấp các chính sách quốc gia về PCRT, TTKB rõ ràng trên cơ sở các mối đe dọa đã được xác định và rủi ro ngành. Tương tự, từng cơ quan, bộ, ngành, đơn vị nên thông qua và đưa vào kế hoạch nội bộ của mình các hạng mục hành động trong kế hoạch hành động quốc gia dựa trên mức độ rủi ro. Đảm bảo các cơ chế ở cấp quốc gia và chính sách để giám sát tiến độ thực hiện các kế hoạch hành động.
Đồng thời, thực hiện cách tiếp cận dựa trên rủi ro trong các cơ quan chủ chốt để ưu tiên nâng cao năng lực và đào tạo, phân bổ nguồn lực nhằm phát triển và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro rửa tiền, TTKB. NHNN, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan chủ chốt khác thực hiện từng bước để đảm bảo các mục tiêu và hoạt động phù hợp với chính sách quốc gia PCRT/TTKB và các rủi ro rửa tiền/TTKB đã xác định. Để sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, áp dụng các biện pháp nâng cao cho các lĩnh vực rủi ro cao đã được xác định như ngân hàng, bất động sản và các lĩnh vực liên quan khác và xem xét áp dụng các biện pháp đơn giản hóa cho các lĩnh vực rủi ro thấp hơn.
Các bộ, ngành có trách nhiệm liên quan, dự kiến tiếp tục phối hợp với các đối tượng báo cáo, dựa trên rủi ro và bối cảnh bao gồm các tổ chức tài chính (FI) nhỏ hơn và tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính chỉ định (DNFBP) để nâng cao nhận thức của họ về rủi ro RT/TTKB của Việt Nam. Bao gồm phổ biến kết qủa NRA và các đánh giá rủi ro khác trong tương lai, bao gồm thông qua các chương trình tiếp cận cộng đồng để đảm bảo tất cả các đối tượng báo cáo có hiểu biết cơ bản về các nghĩa vụ PCRT/TTKB và các rủi ro liên quan...
Để thực hiện khuyến nghị hành động của APG, dự kiến nhóm giải pháp về sửa đổi quy định pháp luật cũng sẽ được thực hiện để: Hành vi phạm tội RT bao gồm tất cả các hình thức chuyển giao và chuyển đổi tiền thu được từ tội phạm; Mở rộng hành vi phạm tội RT mở rộng đến tài sản gián tiếp đại diện cho số tiền thu được từ tội phạm hay không; Các khoản tiền phạt đảm bảo tính tương xứng và phù hợp; Trách nhiệm hình sự của pháp nhân áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm nguồn được chỉ định và đối với tất cả các hình thức pháp nhân...
Để đóng góp vào việc hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT giai đoạn 2022-2026, cụ thể là đối với Dự thảo Kế hoạch thực hiện khuyến nghị hành động của APG đối với Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đề nghị thêm hành động do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện về: Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực thi pháp luật và thực hiện công tác PCRT/TTKNB của các đơn vị, bộ ngành theo chức năng quản lý Nhà nước và chú trọng đối với các lĩnh vực có rủi ro cao được khuyến nghị (ngân hàng, xây dựng, giao thông, chứng khoán, bảo hiểm…).
Đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và TTKB giai đoạn 2022-2025, tại Quyết định số 107/QĐ-TTCP ngày 11/5/2021 của Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện đề án nâng cao hiệu quả công tác PCRT và TTKB giai đoạn 2021-2026 của Thanh tra Chính phủ đã tiếp tục nhiệm vụ: “Đưa nội dung liên quan đến thanh tra về PCRT, chống TTKB vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành”.
Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị NHNN bổ sung thêm các hành động đối với Thanh tra Chính phủ gồm: Hàng năm, thực hiện thanh tra đối tượng trên cơ sở rủi ro về rửa tiền và TTKB đối với tất cả các ngành lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ; Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về kết quả, thực thi và xây dựng pháp luật đối với phòng, chống tham nhũng gắn với PCRT, chống TTKB theo phạm vi quản lý Nhà nước, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ; Phối hợp với các bộ, ngành có chức năng có thẩm quyền để bồi dưỡng nâng cao kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có rủi ro cao về rửa tiền (ngân hàng, xây dựng, giao thông, chứng khoán, bảo hiểm…).
Như vậy, cùng với kết quả của Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và TTKB giai đoạn 2015-2020, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và TTKB giai đoạn 2022-2025 được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới sẽ xác định được những hành động dài hạn theo kết quả NRA của Việt Nam và hành động mà APG khuyến nghị trong đánh giá đa phương năm 2019 nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế PCRT, TTKB của Việt Nam cũng như thực thi đồng bộ các nhóm hành động để thực hiện công tác PCRT ngày càng hiệu quả tại Việt Nam.