“Tín dụng đen” thường gắn với tội phạm
Tổ chức tín dụng (TCTD) được xác định là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng.
Luật các TCTD giải thích, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Trong đó, cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật; gắn với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là các quan hệ vay mượn dân sự không do NHNN cấp phép.
Nhiều chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như: Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Công văn số 1201/VPCP-NC ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty tài chính, công ty luật...
Trước thực trạng xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, NHNN được yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”.
|
|
Một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Ảnh: NT |
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức
Trước đó, vào tháng 7/2022, khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN cho biết, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”; chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân…
Khi đó, NHNN cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp góp phần hạn chế “tín dụng đen”, trong đó đặc biệt tập trung:
Một là, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng;
Hai là, khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật;
Bốn là, tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân…
Như vậy với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN đã triển không ít giải pháp để cùng các cơ quan chức năng có liên quan nhằm ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen".
Tuy nhiên, để tránh bị các đối tượng tội phạm móc nối hoạt động, rất cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, công ty tài chính, TCTD, trung gian thanh toán, các ví điện tử./.