Giao dịch chuyển tiền điện tử theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền

Thứ tư, 01/03/2023 13:46
(ThanhtraVietNam) - Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2022 với nhiều điểm mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/3/2023. Quy định về chuyển tiền điện tử là một trong những nội dung đáng quan tâm.

Áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch khi có căn cứ để nghi ngờ

Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có (là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội. 

Chuyển tiền điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương thức điện tử theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng (có thể là người khởi tạo). Người khởi tạo được xác định là chủ tài khoản hoặc người yêu cầu tổ chức tài chính thực hiện chuyển tiền điện tử trong trường hợp không qua tài khoản.

Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) 2022 có một số điểm mới nổi bật so với Luật PCRT 2012 như: bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về PCRT, đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và 9 dấu hiệu đáng ngờ với lĩnh vực trung gian thanh toán; quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng trong biện pháp PCRT và sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…

Luật này quy định 2 nhóm đối tượng báo cáo có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp PCRT gồm các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Cụ thể:

Nhóm thứ nhất gồm các tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động như: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán (đây là đối tượng mới được bổ sung so với Luật PCRT 2012 - PV); phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.

Nhóm thứ hai gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động như: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: Trò chơi điện tử có thưởng, trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet, casino, xổ số, đặt cược; kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ công chứng, cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Luật quy định, đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp PCRT gồm: Nhận biết khách (bao gồm thu thập, xác minh, cập nhật thông tin), phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy định nội bộ về PCRT; báo cáo giao dịch đáng ngờ, khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.

Phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen hoặc khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội…

leftcenterrightdel
 Danh sách đen bao gồm danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập và danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Bộ Quốc phòng chủ trì lập theo quy định của pháp luật.

Phải nhận biết khách hàng giao dịch chuyển tiền điện tử thiếu thông tin

Theo quy định của Luật, đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền điện tử vượt quá mức giá trị theo quy định của Thống đốc.

Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp: Khách hàng lần đầu mở tài khoản hoặc thiết lập quan hệ với tổ chức tài chính; khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản; nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Đáng chú ý, đối tượng báo cáo tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Đối tượng báo cáo phải báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và giao dịch chuyển tiền điện tử trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch trong trường hợp báo cáo bằng dữ liệu điện tử và 2 ngày trong trường hợp báo cáo bằng văn bản giấy. Báo cáo giao dịch đáng ngờ trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch hoặc trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày đối tượng báo cáo phát hiện được giao dịch đáng ngờ.

Trường hợp phát hiện giao dịch đáng ngờ do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm thì đối tượng báo cáo phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện.

Đối tượng báo cáo phải gửi dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản giấy khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho yêu cầu gửi dữ liệu điện tử đối với các báo cáo được quy định tại các Điều 25, 26 và 34 của Luật này.

Năm 2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hướng dẫn báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử.

Theo đó, đối tượng báo cáo phải lập báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử bằng tệp (file) điện tử, trên cơ sở tổng hợp số liệu của toàn hệ thống và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của báo cáo để gửi về Cục Phòng chống rửa tiền. Trường hợp cần thiết, có thể báo cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu.

Đồng thời, khi phát hiện sai sót trong báo cáo đã gửi phải kịp thời có văn bản giải trình và gửi lại báo cáo theo yêu cầu; các tổ chức trung gian phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin trên điện chuyển tiền lên quan đến người phát lệnh chuyển tiền và người thụ hưởng cho tổ chức phục vụ người thụ hưởng. Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản đối với các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản, thông tin nhận biết khách hàng, các chứng từ và tài liệu khác liên quan đến giao dịch đáng ngờ, các biện pháp phòng ngừa đã thực hiện./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra