Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các đơn vị thuộc thực hiện các nội dung sau:
Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trật tự kỷ cương, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế.
Hai là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Ba là, điều hành tín dụng hợp lý nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bốn là, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 12/8/2022 của Thống đốc NHNN, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, công khai, minh bạch. Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Năm là, tiếp tục triển khai, giám sát Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đã ban hành.
Sáu là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kịp thời phát hiện, xử nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.
Bảy là, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NHNN và quy định của Chính phủ. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Ngân hàng.
Tám là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.
Chín là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng; triển khai các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”. Ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, qua kênh số.
Mười là, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực thi Hiến pháp, pháp luật; chủ động trong tham mưu, đề xuất và xử lý công việc theo chức năng, nhiệm vụ đảm bảo nguyên tắc đúng thời hạn, đúng quy định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế ngành Ngân hàng. Hoàn thành tốt vai trò đại diện Nhà nước và Chính phủ tại các tổ chức tài chính, tiền tệ, ngân hàng quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và truyền thông chính sách của Ngân hàng Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận ủng hộ của doanh nghiệp, người dân và xã hội. Thực hiện tốt quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước.
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng được yêu cầu, chấp hành nghiêm các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quy định của NHNN về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Đáng chú ý, NHNN còn yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và NHNN; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; chú trọng truyền thông đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến người dân và doanh nghiệp…
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được đề nghị tiếp tục tuyên truyền và triển khai có hiệu quả việc thực hiện “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”.