Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

Thứ ba, 03/12/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam đối mặt loạt đe dọa rửa tiền, dễ bị tội phạm tìm đến bởi bất động sản, chứng khoán là thị trường có tốc độ phát triển khó dự đoán. Đánh giá rủi ro quốc gia do Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền công bố cũng đã xác định ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao.

Những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro rửa tiền

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng

Vị trí mới của Cục Phòng, chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước

Theo nhận định của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền quốc tế tìm đến, vì ở đây có bất động sản và chứng khoán là hai thị trường mà tốc độ phát triển rất khó dự đoán, dễ đi từ sự phát triển quá nóng sang đóng băng và có một luồng tiền rất lớn đổ sang thị trường này.

Báo cáo đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với Việt Nam, tháng 1/2022 từng nêu, Việt Nam phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa rửa tiền; nguồn tiền bất hợp pháp bao gồm tham nhũng trong khu vực công, chuyển tiền từ các nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam, lừa đảo, đánh bạc, mại dâm, sản xuất hàng giả, buôn bán người, ma túy, động vật hoang dã và hàng hóa liên quan và Việt Nam vẫn là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt với các mặt hàng có giá trị cao thường được mua bằng tiền mặt, bao gồm cả bất động sản và xe hạng sang….

Gần đây, tại Hội nghị phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về phòng, chống rửa tiền (PCRT) giai đoạn 2018-2022 tổ chức tháng 11/2024 cho thấy, cùng với ngân hàng, bất động sản cũng được xác định là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao.

Tạp chí Thanh tra chia sẻ thông tin liên quan nhận được từ Ngân hàng Nhà nước về nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, bất động sản được xem là đầu kéo trong nền kinh tế khi đóng góp khoảng 8% GDP; đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mang lại lợi ích cho cả những công dân tuân thủ luật pháp và những kẻ lạm dụng cho các mục đích tội phạm.

Từ lâu, bất động sản được đánh giá cao về giá trị và tội phạm có thể sử dụng lĩnh vực này để che giấu nguồn gốc tiền, tài sản, danh tính của chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của tài sản, đây là hai yếu tố chính của quá trình rửa tiền.

Do đó, lĩnh vực bất động sản có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng, có khả năng lan tỏa đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo….

Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, đối tượng khách hàng trong lĩnh vực này, không chỉ bao gồm các tổ chức, cá nhân trong nước mà còn cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc sử dụng rộng rãi các cơ chế cho phép tiếp cận thị trường bất động sản, loại bỏ các hạn chế cá nhân về quyền sở hữu tài sản bất động sản, sự phát triển kinh tế và tăng trưởng của du lịch đã dẫn đến sự gia tăng lớn về số lượng các giao dịch tài chính liên quan đến bất động sản. Đối với tội phạm, những yếu tố này cũng làm tăng khả năng tội phạm lạm dụng lĩnh vực này vào các quy trình rửa các khoản tiền bất hợp pháp.

leftcenterrightdel
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị tuyên án 12 năm tù về tội Rửa tiền 

Báo cáo đánh giá của một số tổ chức có liên quan cho thấy, nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đến từ một số thách thức chủ yếu sau:

Một là, việc thanh toán tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam hiện nay khá phổ biến và giao dịch tự phát không qua sàn giao dịch;

Hai là, số lượng giao dịch lớn và giá trị giao dịch cao;

Ba là, Luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng nên thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ vẫn phổ biến. Vì thế, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có thể trở thành nơi trú ẩn của tội phạm rửa tiền, che giấu tài sản bất minh, tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có;

Bốn là, hệ thống cập nhật thông tin khách hàng, kiểm tra thông tin nhận biết khách hàng đặc biệt là giao dịch bất động sản ngoài sàn giao dịch còn nhiều bất cập.


Theo Cục PCRT, một số báo cáo giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản đến từ các tổ chức tín dụng; thỉnh thoảng đến từ các đại lý bất động sản và không thấy đến từ công chứng viên, luật sư, dù những nghề này tham gia thường xuyên và chặt chẽ vào các giao dịch. Do đó, một trong số những ưu tiên cần thực hiện trong thời gian tới là "tăng cường nhận thức" cho các đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực này.

Bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Thủ đoạn rửa tiền phổ biến là các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Trong các vụ án rửa tiền được xét xử thành công đầu tiên của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 và các vụ án điển hình về tội phạm nguồn của tội rửa tiền được xem xét, hầu hết đều có liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Trong số các tài sản thu được từ các vụ án phần nhiều liên quan đến các tài sản là các bất động sản.

Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường mua các bất động sản đứng tên những người thân trong gia đình, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Theo Cục PCRT thuộc Ngân hàng Nhà nước, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ (STRs) nhận được từ lĩnh vực bất động sản quá thấp so với số lượng các STRs nhận được.

Từ những phân tích nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đã kết luận, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là cao.

Được biết, sau đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022, tháng 5/2024, Chính phủ đã ban hành một kế hoạch khá chi tiết nhằm kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro về rửa tiền đối với đối tượng báo cáo trong các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các bộ ngành và nâng cao tính tuân thủ của các đối tượng báo cáo, đặc biệt đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao như ngân hàng, bất động sản./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra