Nhìn lại 3 năm hoạt động của Tổ giúp việc phòng, chống rửa tiền - Thanh tra Chính phủ

Thứ năm, 26/05/2022 07:56
(ThanhtraVietNam) - Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền (PCRT) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) (sau đây gọi tắt là Tổ giúp việc) được thành lập theo Quyết định số 194/QĐ-TTCP ngày 08/4/2019 có nhiệm vụ tham mưu với Tổng TTCP để chỉ đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền và xây dựng báo cáo liên quan đến PCRT theo yêu cầu. Sau gần 3 năm hoạt động, đến nay, Tổ đã luôn bám sát Kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Sự cần thiết của Tổ giúp việc PCRT

Việc thành lập Tổ giúp việc PCRT của TTCP được thực hiện theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 về Kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố là xây dựng một cơ chế PCRT và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam; Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); Tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế. Qua đó, khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động cũng thực hiện những mục tiêu cụ thể là đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn trong nước, cũng như các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (40 Khuyến nghị mới của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF)); các yêu cầu của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia, công nhận.

leftcenterrightdel
TTCP triển khai đánh giá rủi ro về rửa tiền thường xuyên, định kỳ, tiến hành rà soát, đánh giá lại và đề ra biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro rửa tiền. (Ảnh: Internet) 

Tổ giúp việc PCRT của TTCP gồm 14 thành viên thuộc các cục, vụ chức năng. Ngoài những nhiệm vụ chung dựa theo Kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố, Tổ giúp việc còn có nhiệm vụ tham mưu giúp Tổng TTCP tổ chức thực hiện nhiệm vụ của TTCP được giao theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 về Kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 của Thủ tướng; các nhiệm vụ theo quy định đối với TTCP được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020; và của Ban Chỉ đạo PCRT theo Quyết định 121/QĐ-BCĐPCRT ngày 17/10/2012 về quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo PCRT. Bên cạnh đó, Tổ giúp việc tham gia hoàn thiện cơ chế PCRT và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; tham gia kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; tham gia việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về PCRT và tài trợ khủng bố; tham gia phục vụ đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về cơ chế PCRT và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam. Đồng thời, tham mưu với Tổng TTCP để chỉ đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ đạo PCRT; giúp Tổng TTCP xây dựng báo cáo liên quan đến PCRT theo yêu cầu.

Tổ giúp việc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thu thập các số liệu, tài liệu phục vụ báo cáo. Qua đó, định kỳ hoặc đột xuất tổ chức họp báo cáo Tổng TTCP để xem xét đánh giá kết quả triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến thực hiện kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều kết quả nổi bật đạt được sau gần 3 năm thành lập

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Tổ giúp việc đã kịp thời tham mưu với Tổng TTCP thực hiện tốt các công việc theo yêu cầu của Kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện, TTCP đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTCP ngày 08/4/2019 thành lập Tổ giúp việc và Quy chế làm việc của Tổ giúp việc; ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTCP triển khai kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 và Kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; ban hành Công văn số 130/CV-V.II ngày 13/9/2019 bổ sung xây dựng định hướng chương trình thanh tra, triển khai kế hoạch thanh tra, đồng thời đưa nội dung thanh tra về PCRT tại Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam vào Kế hoạch thanh tra năm 2020 của TTCP.

Đối với việc quán triệt và tổ chức các hội nghị, TTCP đã tổ chức Hội nghị về thực hiện tăng cường về phòng, chống tham nhũng châu Á - Thái Bình Dương - OCED (tháng 11/2019); triển khai phổ biến Nghị định 81/2019NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tới các vụ, cục, đơn vị của TTCP; chỉ đạo Tổ giúp việc nghiên cứu, đề xuất, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc tội đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan đến Luật Phòng, chống tham nhũng. Đối với việc tham gia đánh giá, giải trình về PCRT, các cục, vụ có liên quan đã cung cấp kịp thời tài liệu để phục vụ đoàn đánh giá APG, cán bộ được cử tham gia đánh giá, giải trình đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và được ngân hàng nhà nước Việt Nam ghi nhận đánh giá có trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc cao.

Cụ thể, trong tháng 8/2019, thông qua Văn bản số 3357/NHNN-TTGSNH ngày 08/5/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ giúp việc đã phổ biến Báo cáo kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố (NRA) trong TTCP; Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động sau NRA; Có văn bản yêu cầu các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý của TTCP triển khai đánh giá rủi ro về rửa tiền thường xuyên, định kỳ tiến hành rà soát, đánh giá lại và đề ra biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro rửa tiền.

Ngày 25/2/2020, Tổng Thanh tra ban hành Kế hoạch thanh tra số 270/KH-TTCP về việc thanh tra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, việc triển khai thực hiện công tác PCRT, tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020, TTCP chưa tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, việc triển khai thực hiện công tác PCRT, tài trợ khủng bố. Theo đó, ngày 23/2/2021, TTCP đã ban hành Kế hoạch số 264/KH-TTCP về kế hoạch chi tiết giao các cục, vụ, đơn vị thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021, trong đó giao Vụ II thanh tra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về việc chấp hành các quy định của pháp luật về về hoạt động tín dụng, việc triển khai thực hiện công tác PCRT, tài trợ khủng bố.

Đối với việc góp ý và cung cấp tài liệu phục vụ Báo cáo đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá đa phương nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về PCRT, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 153/TB-VPCP ngày 04/9/2019 của Văn phòng Chính phủ về công tác PCRT, việc tuân thủ đánh giá đa phương của Đoàn APG; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Thông báo số 95/TB-VPCP ngày 14/3/2020 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCRT, TTCP đã nhanh chóng cung cấp các tài liệu và phối hợp với các bộ, ngành bổ sung thông tin thuộc lĩnh vực quản lý của TTCP liên quan đến Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố gửi cho Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid - 19, Đoàn đánh giá APG không sang Việt Nam tham gia ý kiến đối với báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam lần 2. Đồng thời, các chương trình đánh giá của Đoàn APG không thực hiện theo kế hoạch, việc đánh giá của Đoàn APG sẽ triển khai trong năm 2021. Do đó, năm 2021, Tổ giúp việc về PCRT của TTCP đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động theo Quyết định 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019, Quyết định 475/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Thực hiện Kế hoạch số 488/QĐ-TTCP ngày 08/7/2019 của Thanh tra Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 và Kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, TTCP đã kịp thời và nhanh chóng phổ biến Báo cáo Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong TTCP.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố, TTCP đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng “Merida” đối với Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, với vai trò là cơ quan chủ trì, điều phối việc thực hiện (UNCAC) của Việt Nam, TTCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt các nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Cụ thể, đã thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên trong quá trình tự đánh giá thực thi UNCAC cũng như thực hiện nghĩa vụ quốc gia của Việt Nam về việc đánh giá  việc thực thi UNCAC của quốc gia khác.

Đặc biệt, để hoàn thiện quá trình đánh giá việc thực thi UNCAC của Việt Nam chu trình đánh giá thứ 2, TTCP đã phối hợp với Ban Thư ký UNCAC hoàn thiện báo cáo tóm tắt việc thực thi UNCAC. Các chuyên gia của TTCP đã chủ trì phối hợp với chuyên gia của các Bộ, ngành hữu quan tiến hành đánh giá việc thực thu UNCAC của Cộng hòa Áo đối với chu trình đánh giá thứ 2. Theo đó, tháng 7, TTCP đã gửi Báo cáo đánh giá sơ bộ đối với việc thực thi Chương 2, UNCAC của quốc gia này. Sau đó, các chuyên gia đã tiếp tục làm việc với Ban Thư ký UNCAC và các chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức hoàn thành việc đánh giá đối với Cộng hòa Áo. Đến nay, TTCP cũng đang tiếp tục tham dự các cuộc họp Nhóm công tác liên chính phủ mở rộng về phòng ngừa tham nhũng và Cuộc họp Nhóm đánh giá cũng như thực hiện các nghĩa vụ thường xuyên khác.

Tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức về PCRT

Để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả công tác PCRT, các năm qua, Tổ giúp việc về PCRT của TTCP đều đã cử các thành viên tham gia khóa đào tạo nghiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật về PCRT.

Tháng 2/2021, Cục PCRT của Ngân hàng Nhà nước trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định về kiện toàn và quy chế làm việc của Tổ giúp việc thực hiện các hành động sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với Việt Nam, trong đó TTCP có 2 thành viên tham gia nội dung liên quan đến vấn đề thanh tra, giám sát và thực hiện các biện pháp phòng ngừa của các đối tượng báo cáo.

Bên cạnh đó, những nội dung về phòng, chống phổ biến vũ khí hàng loạt tại Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ cũng được đưa vào Kế hoạch công tác năm của TTCP để tuyên truyền và phổ biến, cũng như đưa nội dung liên quan đến thanh tra về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành Thanh tra.

Nhìn lại gần 3 năm đi vào hoạt động, Tổ giúp việc về PCRT của TTCP đã luôn bám sát Kế hoạch Hành động quốc gia về PCRT và tài trợ khủng bố, kịp thời tham mưu giúp Tổng TTCP tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như xây dựng báo cáo liên quan đến PCRT theo yêu cầu. Mặc dù đạt được những kết quả này, song do tình hình dịch bệnh Covid - 19 phức tạp, công tác phối hợp giữa các cục, vụ, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ đôi khi vẫn chưa chặt chẽ và kịp thời, do đó, Tổ giúp việc chưa chủ động trong đề xuất, tham mưu với lãnh đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc khi phát sinh; việc cung cấp thông tin, xây dựng báo cáo theo yêu cầu còn bị chậm... những vấn đề này phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả công tác của Tổ./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra