Ngân hàng Nhà nước

Phân tích báo cáo giao dịch đáng ngờ nhằm giảm thiểu gian lận thương mại và phòng, chống rửa tiền

Thứ tư, 15/02/2023 16:51
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay, tình trạng các đối tượng trong các vụ án tham nhũng sử dụng tài sản tham nhũng để mua sắm tài sản, bất động sản có giá trị lớn trong và ngoài nước thông qua rửa tiền và tẩu tán tài sản tham nhũng đang trở nên tinh vi hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và phòng, chống rửa tiền (PCRT) đã có những hành động cụ thể để kiểm soát tình trạng này.

Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng trong các vụ án tham nhũng thông qua rửa tiền

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục thảo luận về Dự án Luật PCRT (sửa đổi) ngày 07/9/2022), nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức "trung bình cao" đến mức "cao" (viện dẫn theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2012-2017). Do vậy, hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền sẽ góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thực tế, qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử thời gian qua, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc “rửa tiền” thông qua việc mua các bất động sản đứng tên những người thân trong gia đình, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, NHNN đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; NHNN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, các Đề án và Kế hoạch của Chính phủ và NHNN nêu trên đã đề ra nhiều hành động nhằm phát triển ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản trị trên nền tảng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, NHNN cũng là đã đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 và ký ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 – 2020 với 5 nhóm hành động (gồm: Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; Hợp tác trong nước; Các sản phẩm tài chính toàn diện; Hợp tác quốc tế). Kế hoạch này cũng đề xuất việc tăng cường năng lực cho các tổ chức báo cáo thông qua hoạt động đào tạo, tuyên truyền quy định của pháp luật về PCRT, ưu tiên đối với các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao như ngân hàng và bất động sản, chứng khoán, trò chơi có thưởng, casino. NHNN cũng ban hành chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/11/2019 của NHNN tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân hàng theo đó yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro cao, trung bình cao theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam giai đoạn 2012-2017.

Ngoài ra, NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo đến các tổ chức báo cáo như: yêu cầu triển khai thực hiện các biện pháp PCRT theo quy định của pháp luật về PCRT; thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại tổ chức; yêu cầu nâng cao chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ; cảnh báo liên quan đến các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật; công văn cảnh báo liên quan đến lừa đảo; ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, ngăn ngừa hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp; tăng cường quản lý rủi ro trong quy trình mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; một số vấn đề liên quan đến giám sát và báo cáo giao dịch thẻ tín dụng...

Mới đây nhất, NHNN là đơn vị đầu mối xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
 

Phân tích các báo cáo giao dịch đáng ngờ nhằm giảm thiểu gian lận thương mại

Công cuộc phòng, chống tội phạm nói chung và PCRT nói riêng là trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong đó có NHNN, Bộ Công an), của các tổ chức báo cáo và toàn dân. Trong công tác PCRT, các đối tượng báo cáo theo quy định của Luật PCRT - được coi là những người gác cổng đóng vai trò rất quan trọng trọng việc phát hiện và báo cáo các hành vi nghi ngờ liên quan đến tội phạm (của khách hàng) cho các cơ quan thực thi pháp luật, đơn vị tình báo tài chính (là Cục PCRT). Việc phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ và triển khai các quy định của pháp luật về PCRT tại các tổ chức báo cáo.

Rửa tiền trên cơ sở thương mại và chuyển giá, rửa tiền thông qua các kênh chuyển tiền ngầm đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những phương thức, thủ đoạn phổ biến mà tội phạm rửa tiền có thể sử dụng để rửa các khoản thu không hợp pháp và trốn thuế. Đây cũng là vấn đề được Việt Nam quan tâm và đang được các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật nghiên cứu, đánh giá và triển khai trên cơ sở quy định của pháp luật.

Theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2012-2017, đối với kênh chuyển tiền phi chính thức, do có những lợi ích vượt trội về phí chuyển tiền, tính tiện lợi, không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, tính đơn giản về thủ tục… so với các kênh chuyển tiền chính thức, các kênh chuyển tiền phi chính thức (chuyển tiền ngầm) cũng được sử dụng để chuyển kiều hối về Việt Nam. So với các kênh chuyển tiền chính thức, các kênh chuyển tiền ngầm này tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền cao hơn.

Vậy nên, với chức năng tiếp nhận, phân tích các báo cáo giao dịch đáng ngờ do tổ chức báo cáo gửi (không có chức năng điều tra), căn cứ kết quả phân tích, Cục PCRT thuộc NHNN sẽ chuyển giao thông tin đáng ngờ cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, thanh tra, kiểm tra xác minh. Qua quá trình xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, NHNN đã phân tích và chuyển giao thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật trong đó có các các giao dịch có nghi ngờ liên quan đến hoạt động gian lận thương mại.

Tuy nhiên, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ./.

QA
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra