Sự ra đời của Cục Phòng chống rửa tiền và những kết quả đạt được trong công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống rửa tiền

Thứ sáu, 27/05/2022 06:38
(ThanhtraVietNam) - Tiền thân là Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được thành lập từ cuối năm 2005 và được cơ cấu lại năm 2009, đến nay, Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về PCRT, đồng thời làm đầu mối giúp việc cho Ban chỉ đạo PCRT cũng như phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong công tác PCRT… Lịch sử ra đời và quá trình hoạt động của Cục PCRT cũng song hành với nhiều kết quả quan trọng trong công tác PCRT tại Việt Nam.

Tiền thân của Cục Phòng chống rửa tiền

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), căn cứ quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về PCRT (Nghị định 74), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 1002/QĐ-NHNN ngày 08/7/2005 về việc thành lập Trung tâm Thông tin PCRT trực thuộc NHNN. Theo đó, Trung tâm Thông tin PCRT là đơn vị sự nghiệp, có con dấu riêng để giao dịch, có chức năng làm đầu mối để tiếp nhận, xử lý thông tin và thực hiện các nhiệm vụ liên quan được quy định tại Nghị định 74.

Để đáp ứng yêu cầu về công tác PCRT trong tình hình mới, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-NHNN ngày 07/3/2007 về việc thành lập Trung tâm Thông tin PCRT. Theo đó, Trung tâm Thông tin PCRT là đơn vị trực thuộc NHNN, có con dấu riêng, có chức năng làm đầu mối tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin PCRT và giúp Thống đốc thực hiện nhiệm vụ quy định tại Nghị định 74.

Tiếp theo, Trung tâm Thông tin PCRT cùng với 3 đơn vị khác là Thanh tra Ngân hàng, Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác hợp nhất thành Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm Thông tin PCRT được đổi tên thành Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 thay thế Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN. Theo đó, Cục PCRT tiếp tục là một đơn vị trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12/6/2019 thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN. Theo đó, Cục PCRT tiếp tục là một đơn vị trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Phòng chống rửa tiền

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PCRT được quy định tại Quyết định số 1367/QĐ-NHNN ngày 26/6/2019 của Thống đốc NHNN và Quyết định số 2393/QĐ-NHNN ngày 14/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1367/QĐ-NHNN ngày 26/6/2019 của Thống đốc NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Theo các quyết định, về trị trí chức năng, Cục PCRT là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Cục PCRT có con dấu riêng và có chức năng giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc NHNN quản lý nhà nước về PCRT. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan PCRT theo quy định của pháp luật về PCRT, nhiệm vụ phòng, chống khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố và theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc NHNN.

Cục PCRT giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc ban hành theo chức năng, nhiệm vụ của NHNN: Các văn bản quy phạm pháp luật về PCRT, phòng, chống tài trợ khủng bố; Chiến lược, kế hoạch quốc gia, đề án, dự án quan trọng về PCRT; Chương trình dài hạn, 5 năm và hằng năm về PCRT, phòng, chống tài trợ khủng bố.

Cục PCRT còn có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; Phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền theo quy định của pháp luật; Thực hiện theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc NHNN...

Tiếp đó, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về hợp tác quốc tế về PCRT, phòng, chống tài trợ khủng bố thuộc phạm vi trách nhiệm của NHNN như:

Chuẩn bị nội dung đàm phán, ký kết các điều ước, cam kết quốc tế về PCRT, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật;

Tổ chức triển khai hoặc hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế về PCRT, phòng, chống tài trợ khủng bố mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

Là đầu mối triển khai nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và các tổ chức quốc tế khác liên quan đến PCRT, phòng, chống tài trợ khủng bố mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; Là đầu mối triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Tiếp nhận, quản lý các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài về lĩnh vực PCRT, phòng, chống tài trợ khủng bố theo phân cấp, ủy quyền.

Đáng chú ý, Cục PCRT là đầu mối, giúp việc cho NHNN thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCRT trong phạm vi trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và chỉ đạo của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền tại Việt Nam. Đồng thời là đầu mối, giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng trong phạm vi trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và chỉ đạo của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Tiếp đó, là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng nội dung của kế hoạch thanh tra về PCRT hằng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng gửi Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra về PCRT. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành Ngân hàng thực hiện các quy định của pháp luật về PCRT.

Ngoài ra, Cục PCRT còn có các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác: Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; ứng dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về PCRT; tuyên truyền, bồi dưỡng về PCRT...

Một số hoạt động chính đáng chú ý của Cục Phòng chống rửa tiền

Với chức năng và nhiệm vụ nêu trên, Cục PCRT đã thực hiện đầy đủ, đạt kết quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác PCRT. Có thể nhắc đến một số hoạt động chính đáng chú ý:

Thứ nhất, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở Nghị định 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2006 của Chính phủ về PCRT Cục PCRT đã tham mưu ban hành: Thông tư số 22/2009/TT-NHNN của NGHH hướng dẫn thực hiện các biện pháp PCRT; Thông tư số 41/2011/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng trên cơ sở rủi ro phục vụ công tác PCRT.

leftcenterrightdel
 Cục PCRT chủ trì, tham gia nhiều hoạt động về công tác PCRT. Ảnh: sbv.gov.vn 

Ngoài ra, Cục PCRT đã tham gia với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn nghị định 74 gồm: Thông tư 148/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp PCRT đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng; Thông tư 12/2011/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về PCRT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cục PCRT làm đầu mối tham mưu trình các cấp ban hành: Luật PCRT số 07/2012/QH12; Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; Nghị định số 116/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT; Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về PCRT; Thông tư 31/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN; Nghị định 87/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP; Thông tư số 20/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN...

Cùng với đó, thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật PCRT và phân cấp, ủy quyền của lãnh đạo các cấp, Cục PCRT đã tiếp nhận hàng ngàn báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch có giá trị lớn và báo cáo chuyển tiền điện tử từ các đối tượng báo cáo theo quy định của Luật PCRT và triển khai phân tích, chuyển giao nhiều thông tin cho các cơ quan chức năng theo quy định.

Năm 2012, Cục PCRT đã tham mưu Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị mô hình về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của APG; tháng 01/2014 làm đầu mối tổ chức các cuộc họp của Nhóm rà soát khu vực (RRG) thuộc Nhóm các vấn đề hợp tác quốc tế về chống rửa tiền (Nhóm ICRG) với các quốc gia bị rà soát trong khu vực.

Năm 2017-2018, Cục PCRT làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam. Tiếp đó, năm 2019, Cục PCRT làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế PCRT, tài trợ khủng bố của Việt Nam.

Theo NHNN, cho đến nay, Cơ quan PCRT của Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về trao đổi thông tin với Văn phòng Interpool Việt Nam (nay là Cục Đối ngoại - Bộ Công an), Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an, Tổng Cục thuế thuộc Bộ Tài chính và với cơ quan PCRT hoặc cơ quan, tổ chức nước ngoài khác của một số quốc gia như: Malaysia (2009), Indonesia (2010), Lào (2011), Campuchia (2012), Hàn Quốc (2013), Thái Lan (2013), Nhật Bản (2013), Bangladesh (2014), Nga (2018).

Bên cạnh đó, Cục PCRT cũng đã phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế như: Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Văn Phòng Tổng Chưởng lý Úc...triển khai nhiều hoạt động về PCRT, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam.

Cảnh báo những vấn đề liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố

Căn cứ kết quả phân tích, xử lý thông tin nhận được từ đối tượng báo cáo và từ các cơ quan, tổ chức trong, ngoài nước, Cục PCRT đã có nhiều văn bản cảnh báo tới các đối tượng báo cáo để chủ động có biện pháp phòng ngừa phù hợp và gửi tới các cấp, các ngành có liên quan để phối hợp phổ biến tới các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành những cảnh báo liên quan đến: Danh sách chỉ định của các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; danh sách về các cá nhân, tổ chức và quốc gia chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu cảnh báo về các hiện tượng kinh doanh tiền điện tử, tiền ảo trên mạng có dấu hiệu liên quan đến rửa tiền, kinh doanh trái phép; cảnh báo về tình trạng lừa đảo, gian lận, sử dụng giấy tờ giả mạo...

Ở phạm vi, vai trò rộng hơn, Cục PCRT làm đầu mối trình các cấp thành lập Ban chỉ đạo PCRT vào năm 2009. Ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và các thành viên gồm đại diện lãnh đạo của 14 bộ, ngành. Ban chỉ đạo là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành trong công tác PCRT trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay Cục PCRT làm đầu mối giúp NHNN thực hiện vai trò Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Thực hiện vai trò làm đầu mối giúp việc, Cục PCRT đã trình các cấp: kiện toàn Ban chỉ đạo và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; chuẩn bị nội dung, tài liệu họp Ban chỉ đạo; theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo và tổng hợp, báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo; xây dựng, trình Ban chỉ đạo, trình Chính phủ ban hành các Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Chuyển 614 vụ việc liên quan đến 3.588 báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan chức năng để xử lý

Theo đánh giá của NHNN, được thành lập từ cuối năm 2005 và được cơ cấu lại năm 2009, qua xem xét kết quả thu thập, phân tích và chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Cục PCRT có thể thấy Cục PCRT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận sau:

Số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ nhận được từ các đối tượng báo cáo ngày một gia tăng. Từ năm 2010 đến năm 2017, Cục PCRT đã tiếp nhận 7.285 báo cáo giao dịch đáng ngờ, trong đó khối ngân hàng chiếm 83,46%. Mặc dù đã tăng qua các năm nhưng số lượng báo cáo từ các lĩnh vực, ngành nghề khác còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tính chất, quy mô hoạt động của lĩnh vực, ngành nghề này.

Đáng chú ý, từ năm 2010 đến năm 2017, Cục PCRT đã chuyển giao 614 vụ việc liên quan đến 3.588 báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và phòng, chống tội phạm theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được thông tin do Cục PCRT chuyển giao, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý và có thông tin phản hồi về kết quả điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc với Cục PCRT.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả phân tích, Cục PCRT đã đưa ra nhiều cảnh báo cho các cơ quan quản lý và các đối tượng báo cáo liên quan đến các hiện tượng gian lận, lừa đảo và các hành vi phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên do Cục PCRT là một đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nên còn hạn chế trong việc thực hiện chức năng của một Đơn vị tình báo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (thu thập, chuyển giao thông tin); trong việc ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về trao đổi thông tin trong và ngoài nước...

Như vậy, với vị trí, chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, Cục PCRT là cơ quan thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý Nhà nước về PCRT. Góp phần quan trọng để từng bước hiện thực hóa các nhóm hành động tại Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố dài hạn của Chính phủ Việt Nam và dần hướng đến các chuẩn mực quốc tế về PCRT.

 
Bình Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra