Thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống rửa tiền

Thứ sáu, 20/05/2022 13:54
(ThanhtraVietNam) - Qua hoạt động thanh tra chưa phát hiện vi phạm nghiêm trọng, hầu hết nhân viên ngân hàng đều nhận thức về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền (PCRT), chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ ngày càng được cải thiện và không có dấu hiệu thông đồng với tội phạm hay thực hiện các hành vi gian lận trong việc kiểm soát hoạt động PCRT… Đồng thời, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCRT.

Chưa phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 có hiệu lực, từ năm 2013 đến nay, công tác chỉ đạo, hướng dẫn về thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố và xử phạt vi phạm hành chính đã được các bộ, ngành bước đầu được triển khai. Từ năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra về PCRT tại các tổ chức báo cáo.

Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hơn 500 cuộc thanh tra, trong đó có nội dung thanh tra về phòng chống rửa tiền và tiến hành 03 cuộc thanh tra chuyên đề về phòng chống rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả ban đầu cho thấy về cơ bản các ngân hàng đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chưa phát hiện những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính.

Tại Bộ Tài chính, trong chức năng quản lý nhà nước của Bộ, đơn vị này đã tiến hành 11 cuộc thanh tra về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm, 68 cuộc thanh tra trong lĩnh vực chứng khoán, 52 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý quỹ, 6 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Bộ Xây dựng đã tiến hành 03 đợt kiểm tra tại 24 sàn bất động sản ở Hà Nội về công tác phòng, chống rửa tiền và 62 cơ sở đào tạo nghiệp vụ môi giới, định giá và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản về đào tạo phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống rửa tiền tại 10 sàn giao dịch lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội… nhưng chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào.

Còn tại Bộ Tư pháp, những năm qua, đơn vị này cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về tổ chức, hoạt động của luật sư, công chứng nhưng chưa phát hiện trường hợp nào khi thực hiện dịch vụ pháp lý, công chứng có liên quan đến giao dịch nghi ngờ rửa tiền.

Tuy vậy, theo giới chuyên gia tài chính - ngân hàng, mặc dù chưa phát hiện tội phạm rửa tiền không có nghĩa là chúng ta không có tội phạm rửa tiền. Đặc biệt, khi nhìn vào kết quả kiểm tra, rà soát việc xây dựng, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, luật sư, kế toán, công chứng cho thấy nhận định trên không phải là không có cơ sở.

Qua kiểm tra, trong lĩnh vực ngân hàng đến nay mới có 89 trong tổng số 98 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; có 24 trong tổng số 27 công ty tài chính, có 13 công ty cho thuê tài chính đã gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền; nhưng, mới có khoảng 70% đơn vị trong số đó gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Các chuyên gia nhận định, ẩn số nhất và cũng nhạy cảm nhất là lĩnh vực chứng khoán. Tính đến nay, mới có 49 trong tổng số 83 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền và chỉ có 30% đơn vị đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Cũng là lĩnh vực nhạy cảm không kém nhưng ngành nghề bất động sản hiện mới có 6 đơn vị gửi quy định nội bộ về Cục Phòng chống rửa tiền, có 4 sàn giao dịch bất động sản và 9 Sở Xây dựng đã gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, NHNN phát hiện để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp. Và trong danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền được các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam liệt kê, thì tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Khắc phục những hạn chế trong các quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế về PCRT

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra, chưa phát hiện vi phạm nghiêm trọng và chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào về PCRT. Hầu hết nhân viên ngân hàng ở Việt Nam đều nhận thức về trách nhiệm PCRT, chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ ngày càng được cải thiện và không có dấu hiệu thông đồng với tội phạm hay thực hiện các hành vi gian lận trong việc kiểm soát hoạt động phòng, chống rửa tiền.

Và đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn xin cấp phép của tổ chức nào không được cấp, bị ngừng không được cấp phép hay rút giấy phép hoạt động do không đáp ứng các yêu cầu về PCRT.

Nhưng, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về PCRT, vẫn còn một số thiếu hụt liên quan đến việc một vài ngân hàng chưa tự tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nào về kiến thức phòng, chống rửa tiền, hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện sàng lọc, giám sát khách hàng và giao dịch còn hạn chế, số lượng và chất lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ chưa cao.

Cũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của mình, NHNN đã điều chỉnh bổ sung các quy định hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động PCRT, gồm Luật PCRT, các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện pháp luật PCRT và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCRT.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về PCRT được đẩy mạnh trong thời gian qua.  Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền tại các bộ, ngành; cải thiện việc tuân thủ thực hiện pháp luật PCRT của các đối tượng báo cáo.  

Đặc biệt, qua thanh tra, NHNN đánh giá, hiện nay quy định pháp luật còn thiếu về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác PCRT. Luật PCRT năm 2012 không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức và việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát PCRT trên cơ sở rủi ro của các bộ, ngành.

Do đó, việc ban hành Luật PCRT sửa đổi là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCRT trong thời gian tới.

Luật PCRT cần mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác PCRT để bao quát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, đảm bảo các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền phải thực hiện các nghĩa vụ về PCRT. Hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin PCRT. Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong PCRT.

Bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành và tại từng đối tượng báo cáo; áp dụng các biện pháp thích hợp quản lý rủi ro về rửa tiền. Hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng đối với đối tượng báo cáo đảm bảo tuân thủ rộng nhất có thể các Khuyến nghị của FATF (Lực lượng Đặc nhiệml tài chính - Tổ chức liên chính phủ chống rửa tiền).

Đối tượng thanh tra ngân hàng và đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Điều 2 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng, gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của NHNN; đối tượng thanh tra ngân hàng; doanh nghiệp nhà nước do Thống đốc NHNN quyết định thành lập; đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối theo quy định của pháp luật về PCRT; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nghĩa vụ chấp hành các quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN.

Ngoài ra, đối tượng giám sát của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng; đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật về PCRT; đối tượng khác theo quy định của pháp luật. 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra