101.766 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo

Thứ hai, 27/03/2023 16:15
(ThanhtraVietNam) - Giai đoạn 2016 - 2021, cả nước đã tổ chức hơn 8,3 triệu cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp dưới nhiều hình thức thu hút hàng trăm triệu lượt người tham dự; tổ chức 93.829 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 53.902.760 lượt người tham gia; các cấp các ngành, đã tổ chức mở 101.766 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho 4.550.841 người.

Theo Bộ Tư pháp, hằng năm, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đều ban hành Kế hoạch công tác năm, trong đó có sự phân công trách nhiệm thực hiện đối với từng thành viên của Hội đồng; ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Hội đồng các cấp. Trên cơ sở đó, Hội đồng các cấp đã ban hành các văn bản tham mưu, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm hằng năm được hướng dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua, ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của đất nước; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội ...

Cũng theo Bộ Tư pháp, giai đoạn 2016 - 2021 theo cả nước đã tổ chức hơn 8,3 triệu cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp dưới nhiều hình thức thu hút hàng trăm triệu lượt người tham dự; tổ chức 93.829 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 53.902.760 lượt người tham gia; phát hành hơn 405 triệu bản tài liệu pháp luật, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài.

Riêng đối với hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong kỳ báo cáo, các cấp các ngành, đã tổ chức mở 101.766 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho 4.550.841 người.

Nhìn chung, hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng, quan tâm hơn đến nhóm đối tượng đặc thù. Bên cạnh các hình thức truyền thống, các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, hiệu quả đang được triển khai như: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; đối thoại, tư vấn văn bản pháp luật trực tuyến; phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng xã hội; giải đáp pháp luật qua thư điện tử, gửi ý kiến giải đáp qua đường bưu điện; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử, qua điện thoại...

Tuy vậy, qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chỉ ra công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, như công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng, giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa thực sự chặt chẽ và thường xuyên nhắt là trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành. Việc thực hiện một số chương trình phối hợp có nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn

Việc định hướng nội dung pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, giải quyết các vấn đề đột xuất, vướng mắc về thực tiễn thi hành pháp luật chưa thực sự hiệu quả, chưa thường xuyên, kịp thời. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn biểu hiện hình thức.

Cùng với đó, việc tham mưu xây dựng, theo dõi, đôn đốc thực hiện một số chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật chưa bảo đảm hiệu quả; việc triển khai các Đề án tại một số địa phương còn trùng lặp về nội dung và đối tượng gây lãng phí về nguồn lực.

Công tác tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng dù đã có nhiều cố gắng song còn mang nặng tính hình thức, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, chưa có giải pháp căn cơ về nguồn lực để bảo đảm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật có mục tiêu lớn, nhiều nhiệm vụ, hoạt động nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm. Việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật còn khó khăn.

Nguyên nhân được chỉ ra, chính là do một số cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt đối với hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, cũng như bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ.

Đồng thời, đội ngũ công chức tham mưu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương có trình độ chưa đồng đều, chưa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một nguyên nữa chính là trình độ dân trí, văn hóa vùng miền khác nhau như một số dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều hủ tục, nhận thức hạn chế, đòi hỏi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng đặc thù này phải thực sự dày công, theo phương thức “mưa dầm, thấm lâu” nên khó mang lại hiệu quả nhanh chóng trên thực tế.

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chưa tập trung vào một đầu mối, dàn trải nhiều cơ quan cùng thực hiện. Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lại giao cho các địa phương tổ chức thực hiện. Do đó, phụ thuộc vào mức độ quan tâm của từng địa phương, chưa được thực hiện bài bản, thiếu tính hệ thống từ trung ương đến địa phương, dẫn đến hiệu quả của công tác này chưa cao.

Chưa kể, cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc các cơ quan khác nhau, nhất là đối với các cơ quan không tổ chức theo ngành dọc nên việc tổ chức, thực hiện bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân gặp nhiều khó khăn./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra