7 giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân

Thứ sáu, 03/02/2023 06:43
(ThanhtraVietNam) - Mặc dù, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thời gian qua trên địa bàn cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục một cách toàn diện.

Thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; trong thời gian qua, việc tiếp công dân của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho Nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức tiếp công dân, việc bố trí cán bộ, đầu tư trụ sở, trang bị cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, việc cập nhật thông tin, khai thác hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về KNTC vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế, cần phải chấn chỉnh, khắc phục một cách toàn diện.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tiếp công dân định kỳ tháng 02/2022. (Ảnh minh họa, nguồn: kontum.gov.vn)

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân trong thời gian tới, cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trong công tác tiếp công dân, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC sâu rộng đến Nhân dân và tiếp tục triển khai Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo duy trì công tác tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân; phải trực tiếp đối thoại với công dân ngay khi phát sinh vụ việc, chủ động rà soát, giải quyết kịp thời đúng quy định pháp luật các vụ KNTC của công dân, hạn chế tối đa các vụ việc KNTC đông người, phức tạp.

Thứ ba, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì phân công cấp phó tiếp và phải thông báo công khai cho công dân biết. Không được cử người không có thẩm quyền giải quyết công việc làm nhiệm vụ tiếp công dân thay mình. Sau khi tiếp công dân phải trả lời kết quả giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Thứ tư, thường xuyên rà soát, bổ sung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân nhất là ở cấp huyện, cấp xã, lựa chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức, hiểu biết rộng, có khả năng vận động, thuyết phục để làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC. Chú trọng công tác giao nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận, tham mưu xử lý đơn thư tại cấp huyện, cấp xã, không để tình trạng giao cho nhiều cơ quan, nhiều đầu mối, xử lý chậm hoặc không xử lý KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân dẫn đến công dân bức xúc đi KNTC vượt cấp. Đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ phụ cấp theo quy định cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC.

Thứ năm, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các quy định của pháp luật về tiếp công dân nhất là những quy định chưa phù hợp, chưa cụ thể để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn chi tiết những quy định còn khó khăn, vướng mắc.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC để khắc phục hạn chế. Đồng thời, đôn đốc, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết tranh chấp về đất đai đã có hiệu lực pháp luật; kiên quyết xử lý các trường hợp KNTC đã được giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình, đúng pháp luật, hết thẩm quyền nhưng lợi dụng quyền KNTC để gây mất an ninh trật tự tại Trụ sở các cơ quan nhà nước và nơi công cộng.

Thứ bảy, thường xuyên kiểm tra, rà soát trụ sở, điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu đối với cán bộ trực tiếp tham mưu, phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC. Từng bước triển khai đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác tiếp công dân trực tuyến, kết nối từ Trụ sở Tiếp công dân tỉnh đến Trụ sở Tiếp công dân các huyện, thành phố. Từ đó, tạo thuận lợi cho công dân tham gia các buổi tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh và hạn chế tình trạng công dân đi khiếu kiện vượt cấp. Mặt khác, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, sử dụng các ứng dụng xã hội để công khai lịch tiếp công dân, các chương trình dự án, các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC./.

Đỗ Văn Nhân
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra