Việc triển khai thực hiện Quy định số 11-Qđi/TW (Quy định 11) của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong 5 năm qua không chỉ góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác tiếp công dân (TCD), đối thoại với Nhân dân, giải quyết khiếu nại đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ mà còn đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư.
Để tiếp tục thực hiện tốt Quy định 11 trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân tại đơn vị, địa phương mình phụ trách, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên hằng năm, nhất là Quy định 11, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị.
|
|
Một buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong năm 2024. (Ảnh: ITN) |
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Ban Thường vụ Thành ủy, gồm: Quy định số 2780-QĐ/TU ngày 23/11/2021 về tiếp công dân, đối thoại với dân và xử lý đơn, thư gửi đến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy; Công văn số 2204-CV/TU ngày 11/8/2022 về tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị; Thông báo số 350-TB/TU ngày 21/9/2022 của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan để nghe báo cáo tình hình tập trung đông người khiếu kiện liên quan đến các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố; Chỉ thị 34-CT/TU ngày 27/10/2023 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Thứ ba, Ban cán sự đảng UBND thành phố giao UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan thành phố với Ban TCD Trung ương, các bộ, ban, ngành trong việc giải quyết vụ việc, vận động, giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết đối với những vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.
Thứ tư, phát huy trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc giám sát, phản biện liên quan đến công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; nâng cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp nội dung, thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến tiếp công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở và ban thanh tra nhân dân; phát hiện và giải quyết kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân.
|
5 năm qua, các cơ quan của thành phố đã tiếp 18.348 cuộc/18.430 lượt công dân, gồm: Cấp thành phố tiếp 6.828 cuộc/6.910 lượt công dân; cấp quận, huyện tiếp 2.175 cuộc/2.175 lượt công dân; cấp xã, phường tiếp 9.345 cuộc/9.345 lượt công dân.
Trong đó, đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp 26 lượt công dân; phân công các đồng chí Phó Bí thư tiếp 143 lượt công dân; Bí thư quận ủy, huyện ủy đã tiếp 224 lượt công dân; Bí thư đảng ủy phường, xã đã tiếp 1.677 lượt công dân.
|
Thứ năm, Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố yêu cầu Thanh tra thành phố và các cấp tập trung công tác thanh tra trong công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được phát hiện trong quá trình thanh tra.
Thứ sáu, Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố giao Thanh tra thành phố, Sở Nội vụ phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tham mưu công tác TCD, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả của Tổ tham mưu Thường trực Thành ủy TCD và xử lý đơn, thư; bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả công tác TCD từ thành phố đến cơ sở; chỉ đạo các ban, ngành, quận, huyện tổ chức thực hiện tốt các quy định về TCD theo Luật Tiếp công dân; thường xuyên theo dõi, tổng kết và khen thưởng, động viên đối với cán bộ công chức làm công tác TCD và xử lý đơn thư.
Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Đảng, chính quyền, các cơ quan tư pháp trong việc tham mưu cho cấp ủy các cấp TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Thứ tám, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác TCD và xử lý đơn thư, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công tác TCD, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng./.
TS. Huỳnh Văn Thắng - Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng
Minh Nguyệt - Tạp chí Thanh tra