An Giang tập trung giải quyết giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền

Thứ hai, 30/10/2023 15:32
(ThanhtraVietnam) - Thời gian qua, tỉnh An Giang đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, do đó nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn là chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc các dự án, có một số đơn liên quan đến chính sách xã hội, đơn tố cáo…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hộ khiếu nại kéo dài, gay gắt mặc dù đã được Tỉnh và các cơ quan Trung ương rà soát, giải quyết thấu tình, đạt lý, đã vận động, thuyết phục, tổ chức thực hiện thêm các giải pháp hỗ trợ về tiền, về chỗ ở, đất nông nghiệp để sản xuất... nhưng người khiếu nại vẫn không đồng thuận, tiếp tục đi khiếu nại, tập trung tại Hội đồng nhân dân tỉnh và cơ quan Trung ương tại Hà Nội.

Đa số các trường hợp khiếu nại đều yêu cầu nâng giá bồi thường đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất lâu năm khác theo giá đất ở; các vụ việc khiếu nại kéo dài đều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết nhiều lần, được Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương rà soát, kết luận được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại trái với quy định pháp luật và chủ trương giải quyết, như: đòi lại đất mà Nhà nước đã quản lý, thu hồi, bố trí sử dụng; chia lợi nhuận như cổ đông góp vốn tương ứng với diện tích đất giải tỏa tại dự án; được tái định cư diện tích tương đương với diện tích, vị trí đất đã thu hồi trước đây... Ngoài ra còn có tình trạng một số hộ dân chưa nhận thức đúng quy định về pháp luật khiếu nại, tố cáo; một số cán bộ do mới được luân chuyển, điều động nên còn thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối thoại giải quyết khiếu nại của công dân. Ảnh: AGO

Trong công tác tiếp công dân trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tiếp 6.448 lượt với 6.535 người, trong đó tiếp thường xuyên 4.493 lượt với 4.568 người, tiếp định kỳ và đột xuất xuất của lãnh đạo 1.955 lượt với 1.967 người); số đoàn đông người được tiếp là 09 đoàn.

Trong kỳ, tiếp nhận 142 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm giải quyết của các cơ quan, đơn vị, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước (giảm 6 đơn), đã được các cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết kịp thời, đúng quy định, qua giải quyết khiếu nại đã giải quyết trả lại cho cá nhân với số tiền 420 triệu đồng

Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; đến nay, UBND tỉnh ban hành 28 thông báo chấm dứt, kết thúc giải quyết khiếu nại; có 11 vụ việc, công dân thống nhất chủ trương giải quyết của tỉnh và cam kết chấm dứt khiếu nại, với tổng số tiền hỗ trợ là 8,996 tỷ đồng, 9,9ha đất nông nghiệp và 16 nền nhà. Còn lại 02 vụ việc, Tỉnh tiếp tục thực hiện theo phương án đã thống nhất với Thanh tra Chính phủ.

Có thể nói, trong thời gian qua, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; quá trình giải quyết có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, vận dụng các chính sách an sinh xã hội, các chính sách có lợi nhất để công dân đồng tình chấm dứt khiếu nại (vụ việc mới và kể cả vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài). Nhìn chung, số lượng đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền mới phát sinh được UBND các cấp giải quyết kịp thời. Các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành ngay, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Tuy nhiên, số lượng đơn không thuộc thẩm quyền phải xử lý rất cao 1.431/1.638 tổng số đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm tỷ lệ 87,5%. Đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài đã được các Đoàn, Tổ công tác của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp và giải thích pháp luật nhiều lần, người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, nhưng vẫn không chấp hành quyết định đã giải quyết đúng pháp luật. Một số hộ khiếu nại kéo dài đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã cam kết chấm dứt khiếu nại nay trở lại khiếu nại tiếp tục với yêu cầu ngày càng cao hơn.

Nguyên nhân một phần là do chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xây dựng vẫn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là giá bồi thường đất ở; chính sách hỗ trợ vẫn còn thấp, một số trường hợp số tiền bồi thường, hỗ trợ chưa đủ để người dân tạo lập chỗ ở mới tốt hơn. Việc thực thi pháp luật về khiếu nại chưa triệt để dẫn đến việc giải quyết khiếu nại không có điểm dừng. Trong lúc, quy định pháp luật về an ninh trật tự chưa được tổ chức thực hiện nghiêm. Từ đó, một số trường hợp mặc dù đã được giải quyết có lý, có tình nhưng vẫn không chấp nhận, cố ý khiếu nại kéo dài. Nhiều nơi việc áp dụng các chính sách hỗ trợ và an sinh xã hội gặp khó khăn, lúng túng vì còn tùy thuộc vào điều kiện của địa phương; có trường hợp do công dân không hợp tác để cùng với chính quyền tìm biện pháp giải quyết.

Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm về xây dựng các công trình giao thông công cộng, chỉnh trang đô thị, xây dựng các cụm tuyến dân cư và khu tái định cư... Số lượng đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền mới vẫn sẽ phát sinh, do đó Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn cần quan tâm giải quyết kịp thời, tập trung trên nhiều giải pháp như:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 10/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Công văn số 392-CV/TU ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện Công văn số 392-CV/TU ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Công văn số 135/UBND-TD ngày 15/02/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan trực thuộc giải quyết kịp thời, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan mình, cụ thể:

+ Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố tập trung tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định có hiệu lực pháp luật và các vụ việc có ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tích cực kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu đề xuất xử lý, báo cáo hoặc phối hợp kịp thời trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh điểm nóng, đông người, bức xúc, gay gắt làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

+ Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý đơn kịp thời, đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

+ Quan tâm thực hiện đúng chính sách, chế độ theo quy định đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

+ Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các quy định về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

+ Đối với các vụ việc khi đã có kết luận, quyết định giải quyết phải tổ chức chỉ đạo thực hiện ngay để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc giải quyết (nhất là những vụ việc khiếu nại kéo dài), hạn chế việc chậm xử lý làm tăng thêm sự bức xúc, gay gắt từ phía người dân.

+ Giải quyết hiệu quả các khiếu nại phức tạp, kéo dài với tinh thần “xong việc chứ không chỉ phải giải quyết cho hết thẩm quyền”, nhưng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật không làm “dắt dây, giũ rối”. Thường xuyên rà soát các vụ việc chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa phù hợp với quy định; tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và mối quan hệ phối hợp trong giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành.

Thứ ba, đối với tình trạng lợi dụng khiếu nại gây rối, vi phạm an ninh trật tự cần được tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, đề nghị Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp khi thực hiện nhiệm vụ cần phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải thích và hướng dẫn công dân để hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, chú trọng các trường hợp khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, đông người hoặc các trường hợp đối tượng thuộc diện chính sách và người có công.

Đồng thời, kiến nghị Thanh tra Chính phủ ban hành Quy định hoặc hướng dẫn quy trình giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh đối với các vụ việc khiếu nại, phức tạp, kéo dài khi vụ việc tỉnh đã kiểm tra, rà soát, giải quyết thấu tình, đạt lý, nếu người khiếu nại vẫn tiếp tục tập trung tại các cơ quan của Tỉnh, Trung ương, lợi dụng khiếu nại gây rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật thì đề nghị ngành Công an các cấp phối hợp nắm tình hình, xử lý nghiêm để bảo đảm kỷ cương pháp luật. Các trường hợp người khiếu nại đã nhận các chính sách giải quyết hỗ trợ của Nhà nước và cam kết chấm dứt khiếu nại, nay tiếp tục yêu cầu giải quyết thêm thì kết thúc không xem xét giải quyết./.

Vũ Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra