Quyết liệt triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW - Bài học thực tiễn tại Quảng Nam

Bài 2: Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế tồn tại

Thứ tư, 16/10/2024 16:00
(ThanhtraVietNam) - Thực tiễn hoạt động thanh tra trách nhiệm, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Quảng Nam cho thấy, các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW, trong đó chú trọng công tác phát hiện, đánh giá nguyên nhân, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế tồn tại.

Bài 1: Lấy hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác người đứng đầu

leftcenterrightdel
 Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: quangnam.gov.vn)

Có sai sót trong thực thi nhiệm vụ công vụ, ban hành quyết định hành chính

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại Quảng Nam trong 01 năm qua cho thấy, có 17 vụ khiếu nại đúng, 08 vụ khiếu nại đúng một phần, chiếm gần 22% số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền (25/116); đã thu hồi cho Nhà nước 1.072m2 đất, trả lại cho cá nhân 39 triệu đồng và 1.994m2 đất.

Xác nhận với ThanhtraVietNam về thông tin này, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thẳng thắn: Khi người dân có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính họ thì người dân thực hiện quyền khiếu nại. Qua giải quyết khiếu nại cơ quan có thẩm quyền giải quyết chấp nhận một phần, toàn bộ nội dung khiếu nại.

Điều đó có nghĩa là: Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không đúng. Điều này đồng nghĩa với việc có sai sót trong việc thực thi nhiệm vụ công vụ, việc ban hành quyết định hành chính của chính cơ quan, người có thẩm quyền (là người bị khiếu nại).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi tiếp công dân tại Quảng Nam. (Ảnh: quangnam.gov.vn)

Ông Dũng cũng cho biết: Qua thực tiễn hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính của Quảng Nam thấy rằng, phần lớn các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết có kết quả giải quyết khiếu nại đúng, đúng một phần đều thuộc lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn có những hạn chế, khiếm khuyết.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm

Tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất: Do chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn có bất cập, thiếu đồng bộ, thường xuyên thay đổi và còn có những quy định pháp luật thực định chưa được hiểu, áp dụng một cách thống nhất.

Trong tổ chức thực hiện đòi hỏi cơ quan quản lý phải ban hành nhiều văn bản cá biệt để giải quyết theo “từng sự vụ, sự việc” dẫn đến không thống nhất trong điều hành và thực thi chính sách pháp luật về đất đai, bồi thường, hỗ trợ. Nhiều vụ việc rất khó khăn để tìm phương án giải quyết vừa đúng pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu của người dân, nhiều vụ việc thẩm tra, xác minh kéo dài, phức tạp, khó giải quyết do không đủ thông tin, tài liệu làm chứng cứ, quan điểm giải quyết thiếu thống nhất giữa các cấp, các ngành.

Thứ hai: Tại một vài địa phương, một vài dự án đầu tư có thu hồi đất trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa thực hiện giải quyết thỏa đáng, đúng quy định; trong chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt, dứt điểm, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết hài hòa và thường tập trung nhiều tại thời điểm giao thời, chuyển tiếp giữa chính sách bồi thường, hỗ trợ cũ và mới.

Thứ ba: Bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ giúp việc, tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai còn chưa đảm bảo, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trước khối lượng công việc chuyên môn ngày càng lớn dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao, đồng thời chưa đáp ứng tiến độ thời gian theo yêu cầu.

Mặc khác, đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu giải quyết khiếu nại ở các cấp cũng còn có những hạn chế nhất định về năng lực, kỹ năng trình độ nghiệp vụ.

Sai thì phải sửa

Để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, đồng thời quán triệt tinh thần “sai thì phải sửa”, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Thanh tra tỉnh, sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, hơn 01 năm qua toàn ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 71 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo tại 144 đơn vị.

Qua thanh tra, phát hiện ở địa phương, cơ quan đơn vị nào mà người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu vi phạm quy định về công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo thì thực hiện xử lý theo đúng tinh thần của Chỉ thị 35-CT/TW về “xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam. Ảnh: M. Phương

Trao đổi với ThanhtraVietNam, ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam khẳng định: UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Thanh tra tỉnh và toàn ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Qua kết quả thanh tra trách nhiệm cho thấy: Các vi phạm chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ phân loại xử lý đơn chưa chính xác, thụ lý vụ việc khiếu nại chưa đảm bảo điều kiện về thụ lý khiếu nại, thời hạn giải quyết vụ việc còn kéo dài so với quy định; có trường hợp không tổ chức đối thoại hoặc áp dụng pháp luật trong giải quyết chưa chính xác…

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Tiến trao đổi nghiệp vụ công tác với Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Lê Thế Chiến tại Trụ sở Thanh tra tỉnh Quảng Nam, ngày 08/10/2024. Ảnh: M. Phương 

Tuy nhiên, hầu hết các tồn tại, hạn chế chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm, áp dụng hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, chủ yếu áp dụng biện pháp xử lý hành chính thông qua việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế.

Chính vì vậy, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện nghiêm Chỉ thị 35-CT/TW, tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá để làm rõ những tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực này, nhằm chấn chỉnh, khắc phục, không để vi phạm Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đáng chú ý, thực tiễn khảo sát tại địa phương cho thấy, Quảng Nam là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cụ thể hóa tiêu chí đánh giá “lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác” người đứng đầu (Chỉ thị số 35-CT/TW).

Tiêu chí này được cụ thể tại Quyết định số 2023/QĐ-UBND ngày 26/9/2023; Quyết định 1657/QĐ-UBND ngày 07/8/2023 và Quyết định 1941/QĐ-UBND ngày 16/8/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam về Quy định đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ; về Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hàng năm đối với các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đặc biệt, công tác luân chuyển, bổ nhiệm điều động cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều đưa tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để xem xét.

Có thể khẳng định, bằng việc triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Nam đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo có sự chuyển biến rõ rệt.

Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương, đoàn thể được phát huy. Tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ được thể hiện rõ.

Sự hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên, góp phần hạn chế tình trạng bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(Còn nữa)

Minh Phương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra