Đánh giá chung về thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn phát hiện, xử lý
Mặc dù đã có những quy định về việc xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), tuy nhiên các quy định về việc xử lý vi phạm trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Các văn bản hướng dẫn tuy đã có những quy định về nguyên tắc xử kỷ luật đối với người vi phạm là cán bộ, công chức; hành vi, đối tượng bị xử lý, chế tài xử lý nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa đi vào thực tiễn.
Chẳng hạn, ai là người phát hiện, kết luận về hành vi vi phạm của người vi phạm; ai là người kiến nghị, đề xuất với người có thẩm quyền để xử lý người có hành vi vi phạm (cơ quan thanh tra, cơ quan nội vụ, cơ quan tiếp công dân, người giải quyết KNTC lần tiếp theo...).
Thí dụ, một vụ việc khiếu nại, mặc dù đã quá thời hạn giải quyết lần đầu nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu không/chưa giải quyết; công dân khiếu nại lần hai lên cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết theo quy định. Cơ quan này thụ lý giải quyết lần hai. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP thì “người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật”.
Trong trường hợp này có một số vướng mắc đặt ra: ai là người kết luận người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu vi phạm pháp luật; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý như thế nào? Ai là người kiến nghị xử lý (cơ quan thanh tra khi thực hiện thành, cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh…). Ai là người bị xử lý (người có thẩm quyền giải quyết hay người được giao nhiệm vụ xác minh)? Xử lý về hành vi nào (không thụ lý hay không ban hành quyết định, hay hành vi nào khác)...
Các quy định mới chỉ ra được một số hành vi mà chưa bao quát hết các hành vi vi phạm phát sinh cần phải ngăn chặn, xử lý. Từ thực trạng về việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm nêu trên cho thấy đối tượng vi phạm hành chính bao gồm cả công dân - người thực hiện quyền KNTC; và cán bộ, công chức - người có thẩm quyền trách nhiệm, người được giao nhiệm vụ trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC. Hành vi vi phạm hành chính diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên việc xử lý hành vi vi phạm đó ít khi được thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do quy định về việc xử lý vi phạm còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa có cơ chế thực thi; khó xác định rõ hành vi vi phạm trong việc giải quyết KNTC bởi vì nhiều cơ quan, cá nhân cùng tham gia vào quá trình giải quyết. Người vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn, là công dân - người thực hiện quyền KNTC theo quy định; người có thể đưa ra kiến nghị xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, ngại va chạm, cả nể, hoặc thiếu quyền năng; cơ chế giải quyết KNTC chưa khách quan, độc lập, và hiệu quả…
Những yêu cầu đặt ra
Nhìn nhận một cách khách quan, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân phần lớn đều có bắt nguồn từ phía cá nhân, cơ quan nhà nước. Người dân khiếu kiện đa phần có quyền, lợi ích bị tác động bởi chính quyết định hành chính, hành vi hành chính; hoặc họ biết có hành vi vi phạm nên họ tố cáo, chỉ có điều không có đủ chứng cứ chứng minh.
Khi công dân thực hiện quyền KNTC, cá nhân, cơ quan nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết, hoặc giải quyết thiếu khách quan, đúng đắn gây bức xúc cho người dân. Do vậy, muốn xử lý người dân vi phạm người KNTC, trước hết phải xử lý chính cán bộ, công chức - người có thẩm quyền, trách nhiệm vi phạm trong việc tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Tiếp công dân, giải quyết KNTC là một chuỗi các hoạt động có sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần, nhiều cơ quan. Vì thế, khi xác định sai phạm cần xác định rõ sai phạm ở khâu nào, ai là người có trách nhiệm. Không nên dồn hết trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan, cũng không nên đổ đầu lên cán bộ, công chức - người được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất. Việc xác định không rõ trách nhiệm cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng người vi phạm là thủ trưởng cơ quan, nhưng người bị kỷ luật lại là cán bộ, công chức cấp dưới.
Cần phải có quy định rõ về tiêu chuẩn đầu vào, chế độ đãi ngộ với người làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đúng mực. Thực tiễn cho thấy, nhiều cơ quan nhà nước cọi nhẹ công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nên không quan tâm nhiều đến công tác này và thường bố trí cán bộ không phù hợp.
Bởi vậy, nhiều cán bộ, công chức được phân công làm công tác tiếp công dân, công tác tham mưu, đề xuất trong tiếp nhận đơn, giải quyết KNTC không được đào tào, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn thường xuyên, việc am hiểu về nghiệp vụ còn rất hạn chế, không chuyên nghiệp, không có chiều sâu.
Một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm
Một là, nhóm các giải pháp hạn chế hành vi vi phạm:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật nói chung, pháp luật về KNTC nói riêng cho người dân; kịp thời tiếp nhận, xử lý và giải quyết các KNTC của công dân, không để công dân bức xúc, dẫn đến những vi phạm pháp luật.
Quan tâm đến việc lựa chọn, bố trí cán bộ đủ năng lực làm nhiệm vụ tiếp công dân; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp; có chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý để cán bộ, công chức chuyên tâm công tác.
Thường xuyên và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; kịp thời nhắc nhở, yêu cầu khắc phục những tồn tại hạn chế không để hành vi vi phạm xảy ra. Trưởng hợp đã nhắc nhở mà vẫn vi phạm cần xác định rõ hành vi vi phạm và xử lý trách nhiệm người có hành vi vi phạm một cách nghiêm minh.
Hai là, nhóm giải pháp phát hiện và xử lý hành vi vi phạm:
Đổi mới cơ chế tiếp nhận, giải quyết đơn thư và giải quyết KNTC bằng việc xây dựng mô hình tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư độc lập. Thực tiễn cho thấy, mô hình tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC hiện nay thiếu tính độc lập, việc giải quyết phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đứng đầu cơ quan đơn vị; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân không cao, không có tính chuyên nghiệp.
Trước những yêu cầu từ thực tiễn trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tiến hành rà soát các quy định về xử lý hành chính vi phạm trong lĩnh vực này để tìm ra những điểm chưa thống nhất, những nội dung còn thiếu sót chưa được pháp luật điều chỉnh, từ đó khắc phục, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Có thể thấy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNCT của công dân, góp phần tạo niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của đảng, sự công minh của pháp luật trong thời gian tới cần xây dựng và hoàn thiện được cơ chế phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đặc biệt là xử lý vi phạm đối với cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc tiếp công dân, thụ lý giải quyết đơn thư./.