Bàn về mô hình tiếp công dân trực tuyến từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh

Chủ nhật, 28/04/2024 09:09
(ThanhtraVietNam) - Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, cũng như họp trực tuyến, xét xử trực tuyến, tiếp công dân trực tuyến cũng đã được một số địa phương áp dụng. Việc tiếp công dân trực tuyến cũng đã phần nào mang lại hiệu quả thiết thực so với tiếp công dân trực tiếp. Vì vậy, để ứng dụng tiếp công dân trực tuyến trong phạm vi rộng, phổ biến và thống nhất từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp huyện là một vấn đề cần được đưa ra để nghiên cứu, trao đổi và tổng kết, rút kinh nghiệm trong thời điểm hiện nay.
leftcenterrightdel
Triển khai tiếp công dân trực tuyến tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: MVD 

Tiếp công dân trực tuyến và mô hình tiếp công dân trực tuyến

Tiếp công dân trực tuyến là việc tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên với người tiếp công thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới (hoặc ngược lại) để tiếp, giải thích, hướng dẫn hoặc chỉ đạo giải quyết một vụ việc khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, đề nghị cụ thể có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Tiếp công dân trực tuyến cho phép người dân khiếu kiện, người tiếp công dân, người tham gia tiếp công dân tham gia buổi tiếp công dân tại các điểm cầu được đối thoại, trao đổi với nhau theo thủ tục tiếp dân của buổi tiếp bằng lời nói, hình ảnh, âm thanh trực diện, liên tục vào cùng một thời điểm.

Tiếp công dân trực tuyến được thực hiện ở hai hoặc nhiều điểm cầu (tùy thuộc vào từng vụ việc và theo yêu cầu của người chủ trì buổi tiếp). Trong đó, có một điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần. Thông thường, mỗi điểm cầu là một cấp khác nhau gắn với thẩm quyền giải quyết giữa cấp trên trực tiếp với cấp dưới trực tiếp (là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện của công dân). Cụ thể:

Tại Trung ương: Tiếp công dân trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là Thanh tra Chính phủ/Trụ sở tiếp công dân Trung ương (chủ thể là Thanh tra Chính phủ/Văn phòng Chính phủ/Ban Dân nguyện/ Ủy ban Kiểm tra Trung ương/Ban Nội chính Trung ương) với các điểm cầu thành phần là Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh (Chủ thể là Bí thư/Chủ tịch UBND tỉnh - địa phương có công dân khiếu kiện và là người có thẩm quyền giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết); điểm cầu thành phần của các bộ, ngành chuyên môn có liên quan (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc khi được mời tham gia tiếp cùng người tiếp công dân).

Tại các bộ, ngành cũng có thể kết nối tiếp công dân trực tuyến với các điểm cầu địa phương cấp tỉnh, nơi phát sinh khiếu kiện.

Tại địa phương cấp tỉnh: Tiếp công dân trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh (chủ thể là Bí thư/Chủ tịch UBND/Thường trực HĐND tỉnh/Đại biểu Quốc hội…) với các điểm cầu thành phần là Trụ sở tiếp công dân cấp huyện của tỉnh, thành phố (Chủ thể là Bí thư/Chủ tịch UBND cấp huyện trực thuộc); là địa điểm tiếp công dân của các sở, ngành (nếu cần thiết).

Tại địa phương cấp huyện, cấp tỉnh cũng có thể kết nối tiếp công dân trực tuyến với cấp xã.

Mô hình tiếp công dân trực tuyến đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin. Tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần, các trang thiết bị bao gồm hệ thống camera, phần mềm, màn hình máy tính hoặc ti vi lớn, máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh, đường truyền, và phần mềm để lưu trữ dữ liệu (nếu cần).... Ngoài ra, còn phải phân công bố trí con người để vận hành hệ thống thiết bị đường truyền đảm bảo cho buổi tiếp công dân được thông suốt, liên tục.

Triển khai ứng dụng tiếp công dân trực tuyến sẽ mang lại những ưu điểm sau:

Tiếp công dân trực tuyến góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:  Cùng với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, phần mềm tiếp công dân trực tuyến sẽ được Thanh tra Chính phủ triển khai để đáp ứng yêu cầu của Ngành trong việc ứng công nghệ thông tin, hỗ trợ hiệu quả công tác cải cách hành chính theo kế hoạch đã được Thanh tra Chính phủ đặt ra.

 Tiếp công dân trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân: Khi tiếp công dân trực tuyến, đòi hỏi thủ trưởng cơ quan đơn vị - người có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân theo luật phải trực tiếp tham gia tiếp công dân, điều đó sẽ giúp thủ trưởng cơ quan cấp trên kiểm tra, giám sát công tác tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan cấp dưới của mình, hạn chế tình trạng “lười” tiếp công dân, hoặc tiếp công dân hình thức của thủ trưởng, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị cấp dưới trực tiếp.

Tiếp công dân trực tuyến thể hiện “ba mặt một lời”, người khiếu nại có thể được trao đổi, trình bày với người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại. Người tiếp công dân chỉ đạo trực tiếp người có trách nhiệm giải quyết vụ việc trước sự có mặt của công dân và các chủ thể tham gia buổi tiếp. Khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo đó, đòi hỏi người người quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh phải nâng cao ý thức trách nhiệm trước người dân và trước người tiếp dân đối với nội dung vụ việc cả về tiến độ và chất lượng; đồng thời, có trách nhiệm giải trình đối với những nội dung, vụ việc chậm trễ, quá hạn. Từ đó, hạn chế tình trạng chây ì của người có thẩm quyền giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết.

Thực hiện tiếp công dân trực tuyến sẽ hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp: thực tiễn cho thấy, nhiều đoàn khiếu kiện thường khiếu kiếu tập trung tại các cơ quan Trung ương, cơ quan tỉnh. Nếu tiếp công dân trực tiếp, người dân và cả cơ quan chính quyền địa phương sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức đi lại, gây nên tình trạng tụ tập đông người làm mất an ninh, trật tự công cộng. Vì thế, tiếp công dân trực tuyến sẽ đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí cho công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân khiếu kiện.

Tiếp công dân trực tuyến có thể được ghi âm, ghi hình và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh những thuận lợi, việc tiếp công dân cũng gặp phải một số hạn chế, khó khăn sau:

Tiếp công dân trực tuyến đòi hỏi người đứng đầu cơ quan đơn vị phải có sự nhìn nhận sâu sắc và quan tâm đúng mức về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số từ đó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này.

Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động tiếp công dân nói chung và tiếp công dân trực tuyến nói riêng cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị và con người. Việc tiếp công dân trực tuyến đòi hỏi phải có một hệ thống công nghệ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, chất lượng kết nối tốt để buổi tiếp công dân không bị gián đoạn. Cùng với hệ thống công nghệ cần phải có cán bộ, công chức sử dụng, vận hành và lưu trữ dữ liệu.

Hiện tại, tiếp công dân trực tuyến mới được một số địa phương triển khai, nên chưa có sự đồng bộ, thống nhất, chưa có cơ chế sử dụng và quản lý cụ thể. Trong khi đó, tiếp công dân là một trong lĩnh vực nhạy cảm. Điều này cũng gây khó khăn trong việc triển khai áp dụng mô hình tiếp công dân trực tuyến trên phạm vi toàn quốc.

Bắc Ninh với việc áp dụng mô hình tiếp công dân trực tuyến

Tỉnh Bắc Ninh triển khai ứng dụng tiếp công dân trực tuyến vào các kỳ tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh từ năm 2014. “Hệ thống tiếp công dân trực tuyến gồm có hệ thống trang thiết bị tại 09 điểm cầu; sử dụng MCU cứng (thiết bị chuyển mã video giúp kết nối các điểm đầu cuối và thiết lập cuộc gọi, truyền/nhận hình ảnh giữa các điểm cầu) đặt tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, điểm cầu chính kết nối với 08 các huyện, thị xã, thành phố bằng đường truyền Internet 50Mbps”[1] (Văn bản số 238/STTTT-BCVT ngày 10/03/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh). Hiện nay, hệ thống và hạ tầng thiết bị đang chuẩn bị được tích hợp vào hệ thống và hạ tầng thiết bị của Hệ thống hội nghị truyền ba cấp tỉnh Bắc Ninh.

Thời gian đầu, tiếp công dân trực tuyến được áp dụng đối với các phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh; các cuộc họp giao ban định kỳ giữa Ban Tiếp công dân tỉnh với Ban Tiếp công dân các huyện, thị xã, thành phố. Từ năm 2019 đến nay, tiếp công dân trực tuyến được áp dụng đối với phiên tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy. Tiếp công dân trực tuyến lần đầu tiên được đưa vào quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh. Theo đó, “Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp công dân định kỳ trực tuyến với 08 điểm cầu tiếp công dân của Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy vào ngày 10 của tháng cuối mỗi quí”[2] (Khoản 2 Điều 2 Quy chế 03-QC/TU ngày 29/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về trách nhiệm của Bí tư trong việc tiếp công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân). Trong thời gian tới, việc tiếp công dân trực tuyến sẽ được thực hiện đối với cả các phiên tiếp công dân định kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và phiên của Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.

Để tiếp công dân trực tuyến đạt kết quả, ngoài việc đầu tư thiết bị công nghệ, đường truyền, cần phải quan tâm bố trí con người có am hiểu về công nghệ thông tin. Hiện tại, Ban Tiếp công dân các cấp chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ bên ngoài.

Điều quan trọng nhất trong tiếp công dân trực tuyến là khâu dự báo, tiếp nhận, phân loại và chuẩn bị nội dung vụ việc. Các vụ việc lựa chọn tiếp công dân trực tuyến cần có các tiêu chí cụ thể và có sự chuẩn bị chu đáo.

Đối với vụ việc tiếp đột xuất, Ban Tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm thông tin và phối hợp với Ban Tiếp công dân cấp huyện để nắm bắt thông tin vụ việc như người đứng đơn, nội dung đơn, diễn biến và kết quả giải quyết; đồng thời yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ việc. Qua đó, Ban Tiếp công dân tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo tiếp công dân; dự báo thành phần tham gia tiếp công dân. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý tiếp trực tuyến, Ban Tiếp công dân mở các thiết bị đường truyền; mời đại diện các sở, ngành có liên quan và thông tin đến địa phương để chuẩn bị, tham gia tiếp trực tuyến.

Đối với các phiên tiếp công dân định kỳ: Trước các phiên tiếp công dân định kỳ trực tuyến một ngày, Ban Tiếp công dân tỉnh phối hợp với Viễn thông Bắc Ninh, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông - Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra các thiết bị và đường truyền giữa đầu Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và các điểm cầu để khắc phục vụ sự cố nếu có. Ban Tiếp công dân tỉnh (đối với phiên tiếp định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh), Ban Nội chính Tỉnh ủy (đối với phiên tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy) qua việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân, và qua công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư sẽ hẹn công dân, hoặc dự báo các đoàn công dân khiếu kiện đông người, các vụ việc phức tạp, vụ việc quá hạn chưa được giải quyết mà công dân sẽ đến phiên tiếp để chuẩn bị nội dung, diễn biến vụ việc và phương án xử lý để phục vụ và tham mưu cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân.

Về thành phần tham gia buổi tiếp công dân trực tuyến: Đối với phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, tham gia phiên tiếp công dân trực tuyến cùng với Chủ tịch UBND tỉnh, tại điển cầu Trụ sở Tiếp công dân tỉnh có đại diện các sở, ngành: Văn phòng UBND  tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh; cán bộ, chuyên viên Ban Tiếp công dân tỉnh[3] (Một số cơ quan đơn vị khác có liên quan đến từng vụ việc có thể được mời, triệu tập). Tại 8 điểm cầu các huyện, thành phố có Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện, thị xã, thành phố.

Đối với phiên tiếp công dân định kỳ của Bí thư, tại điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, ngoài các thành tham gia tiếp công dân cùng Chủ tịch UBND tỉnh nêu trên còn có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành cơ quan đảng; lãnh đạo và phòng, chuyên môn trực thuộc của cơ quan Đảng như: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Tại  8 điểm cầu các huyện, thành phố có Bí thư và lãnh đạo Uỷ ban kiểm tra, Văn phòng huyện ủy, thị ủy, thành ủy; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn phát sinh vụ việc.

Một số kinh nghiệm rút ra từ việc áp dụng mô hình tiếp tuyến tỉnh Bắc Ninh

Từ thực tiễn áp dụng mô hình áp dụng mô hình tiếp tuyến tỉnh Bắc Ninh có thể đưa một số kinh nghiệm sau:

Một là, việc chuẩn bị nội dung vụ việc cho buổi tiếp: Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoại trừ tố cáo thì các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, đề nghị của công dân đều có thể tiếp công dân trực tuyến. Tuy nhiên, để việc tiếp công dân trực tuyến có hiệu quả thì người chủ trì buổi tiếp công dân trực tuyến có thể lựa chọn hoặc đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với các vụ việc để chuẩn bị cho phiên tiếp công dân trực tuyến.

Tiếp công dân trực tuyến là cơ hội để người tiếp công dân tổ chức cho người bị khiếu kiện và người có thẩm quyền giải quyết được trực tiếp để đối thoại với nhau từ đó làm sáng tỏ nội dung khiếu kiện, xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết vụ việc (đối với những vụ việc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm); đường hướng, cách thức và kết luận việc giải quyết (đối với việc đang giải quyết); phân tích, giải thích, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công người khiếu kiện hiểu và chấp hành quyết định, kết luận giải quyết, chấm dứt khiếu kiện, cơ quan nhà nước chấm dứt giải tiếp nhận, chuyển đơn và từ chối tiếp công dân (đối với vụ việc đã được giải quyết nhưng công dân theo bám kéo dài). Việc tiếp công dân trực tuyến đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và có phương án, nội dung tiếp, kết luận nội dung tiếp, với sự tham gia của nhiều cơ quan, nhiều người.

Những vụ việc cần được lựa chọn để tiếp công dân trực tuyến:

Đối với phiên tiếp công dân trực tuyến đột xuất: (i) là các vụ việc quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân 2013([4] (Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. ); (ii) các vụ việc công dân thường xuyên khiếu kiện vượt cấp đến Trụ sở, cơ quan nhà nước cấp trung ương, cấp tỉnh.

Tiếp công dân trực tuyến vào phiên tiếp công dân định kỳ: (1) các vụ việc nêu trên; (2) đoàn công dân khiếu kiện đông người; (3) vụ việc phức tạp, có tính nhạy cảm, yếu tố tôn giáo; (4) vụ việc đeo bám kéo dài; (5) các vụ việc công dân khiếu kiện vượt cấp đã có văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chuyển đơn của Ban Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan nhưng quá hạn mà không được giải quyết; (6) Các vụ việc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định nhưng công dân vẫn đeo bám kéo dài; (7) các vụ việc khác do người tiếp công dân quyết định[5] (Theo Quyết định số 748/QĐ-TTCP ngày 28/12/2023 của Thanh tra Chính phủ có 6 nhóm vụ việc thực hiện tiếp công dân trực tuyến).

Tuyệt đối không được tiếp trực tuyến đối với những vụ việc tố cáo hoặc những thông tin có nội dung tố cáo.

Để có được những thông tin vụ việc chuẩn bị cho buổi tiếp, Ban Tiếp công dân tỉnh phối hợp với các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh tổ chức giao ban định kỳ để trao đổi về các vụ việc mà công dân thường xuyên đến trụ sở tiếp công dân để dự báo, nắm bắt, chuẩn bị nội dung, trên cơ sở đó lập danh sách các vụ việc đề xuất Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp vào các phiên tiếp trực tuyến định kỳ. Sau khi danh sách vụ việc được thông qua, sẽ được gửi cho các sở, ngành thuộc thành phần tham gia tiếp công dân cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đơn vị cấp huyện có vụ việc phát sinh để biết và chuẩn bị.

Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đường truyền và con người: Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong việc áp dụng mô hình tiếp công dân trực tuyến. Ban đầu ứng dụng thiết bị cứng và đường truyền internet; các thiết bị thu âm, thu hình, màn hình chưa được đầu đầy đủ, cộng với việc sử dụng thuê bao đường truyền internet mà không phải phần mềm, hay cầu hội nghị truyền hình chuyên dụng  nên chất lượng hình ảnh, âm thanh chưa được tốt; buổi tiếp công dân đôi khi bị gián đoạn, thời gian kết nối lâu, ảnh hưởng đến chất lượng buổi tiếp. Vì thế, để có được cầu truyền chất lượng, rõ nét không bị gián đoạn cần có sự đầu tư tài chính để tích hợp với hệ thống và hạ tầng thiết bị đã được trang bị của hệ thống hội nghị truyền hình ba cấp; và trong tương lai có thể ứng dụng công nghệ số xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình tiếp công dân chuyên biệt.[6] (Vì lý do bảo mật và phục vụ công tác lưu trữ lại toàn bộ diễn biến buổi tiếp).

Hiện tại, thiết bị tại Bắc Ninh thiết đường truyền do Ban Tiếp công dân quản lý và vận hành với sự trợ giúp của cán bộ Công ty VNPT Bắc Ninh. Để có sự đồng bộ và hiệu quả, trong điều kiện chưa có cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, việc quản lý và vận hành hệ thống tiếp công dân trực tuyến nên giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện, mà cụ thể Bộ Thông tin và Truyền thông (cấp trung ương) và Sở Thông tin truyền thông (cấp tỉnh).

Một số kiến nghị

Với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, công nghệ số sẽ được ứng dụng rộng rãi và phổ biến trong lĩnh vực thanh tra, cùng với những tiện ích mà tiếp công dân trực tuyến đem lại, ngày 28/12/2023 Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 748/QĐ-TTCP ban hành Quy chế tiếp công dân trực tuyến và mô hình thí điểm tiếp công dân trực tuyến của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, lộ trình tiếp công dân sẽ được Thanh tra Chính phủ từ tháng 12/2023 đến hết năm 2026 sẽ được triển khai trên hệ thống chuyên dùng.

Hiện nay, cùng với Bắc Ninh, một số tỉnh đã triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Nội…Điều đó cho thấy, việc tiếp công dân trực tuyến chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Vì thế, Thanh tra Chính phủ cần sớm có sự kế hoạch cụ thể để hướng dẫn các địa phương đang và sẽ áp dụng hô hình này xây dựng hệ thống đường truyền, tạo sự đồng bộ để có thể kết nối, tích hợp lên hệ thống truyền hình trực tuyến của Thanh tra Chính phủ. Đối với những đơn vị đã triển khai áp dụng mô hình tiếp công dân trực tuyến thì hướng dẫn thực hiện việc kết nối với điểm cầu Trung ương để thực hiện thử nghiệm, từ đó rút ra những kinh nghiệm triển khai đến các bộ ngành và tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc.

Thanh tra Chính phủ cần có kế hoạch xây dựng, đào tạo, bỗi dưỡng và bố trí  đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại các điểm cầu các cấp trong trường hợp xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình tiếp công dân trực tuyến chuyên biệt.

Sau khi mô hình tiếp công dân trực tuyến đi vào hoạt động trên một phạm vi nhất định cần có sự tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để từ đó luật hóa hình thức tiếp công dân trực tuyến và ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể việc tiếp công dân trực tuyến bên cạnh tiếp công dân trực tiếp.

Tóm lại, tiếp công dân trực tuyến kết hợp với trực tiếp là một giải pháp mới nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong lĩnh vực tiếp công dân; thúc đẩy việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân, doanh nghiệp. Để việc tiếp công dân trực tuyến đi vào thực tiễn một cách có hiệu quả, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố có hướng dẫn ứng dụng đồng bộ, tổng kết, rút kinh nghiệm từ đó ban hành quy định cụ thể về việc tổ chức tiếp công dân trực tuyến của người đứng đầu cơ quan nhà nước./.

Mai Văn Duẩn, Trưởng Ban Tiếp công dân - Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra