Bộ Công thương: Không phát sinh khiếu kiện tồn đọng, kéo dài

Thứ năm, 21/09/2023 10:34
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu, kết hợp với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác tại Bộ Công thương trong thời gian tới.

Thực hiện phân loại, xem xét và xử lý đơn thư theo đúng quy định của pháp luật

Theo Bộ Công thương, trong những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng đơn thư và vụ việc khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được gửi đến Bộ Công Thương từ nhiều nguồn khác nhau: Gửi theo đường bưu điện, gửi trực tiếp tại Trụ sở tiếp dân của Bộ Công Thương, từ Phiếu chuyển đơn của các cơ quan khác... Nội dung đơn phản ánh các sự việc, hiện tượng trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội, hành chính..., có những nội dung đơn phản ánh có cơ sở, có những đơn phản ánh đúng một phần, có những đơn phản ánh đúng về mặt hiện tượng nhưng không đúng về mặt bản chất, có những đơn phản ánh không đúng thực tế.

Bộ đã chú trọng phân loại, xem xét và xử lý đơn thư theo đúng quy định của pháp luật. Theo phân cấp quản lý, đối với những đơn không thuộc thẩm quyền xử lý, Bộ Công Thương chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn người viết đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Đối với những đơn thuộc thẩm quyền, Bộ Công Thương chủ trì hoặc giao các đơn vị trực thuộc chủ trì xử lý. Quá trình xem xét, giải quyết đơn thư đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Bộ. Các đơn thư đã được xem xét, xử lý đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Nhận định về nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, Bộ Công Thương cho rằng, Bộ là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực về công nghiệp và thương mại, nhiều mặt hàng, sản phẩm thiết yếu tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế, xã hội và đời sống Nhân dân, do đó việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị là không tránh khỏi.

leftcenterrightdel
 Một vụ việc được Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp dân. Ảnh: moit.gov.vn

Bộ cũng cho biết, liên quan đến pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, nhiều trường hợp công dân gửi đơn liên quan đến quan hệ dân sự trong mô hình kinh doanh đa cấp hoặc quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trong quan hệ hợp đồng dân sự, không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, một số vụ việc, công dân chưa phân biệt đúng thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty ở giai đoạn hiện nay nên tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến các đơn vị này về Bộ Công Thương, dẫn đến gia tăng số lượng đơn thư gửi về Bộ, ảnh hưởng đến việc thống kê và xử lý đơn.

Về công tác tiếp công dân, từ 01/8/2022 đến ngày 31/7/2023 Bộ đã tiếp 92 lượt, trong đó 30 lượt tại Trụ sở của Bộ, 62 lượt tại Trụ sở đơn vị thuộc Bộ. Tổng số người được tiếp: 107 người. Trong đó, Trụ sở của Bộ đã tiếp số vụ việc tiếp lần đầu là 8 vụ việc. Số vụ việc tiếp nhiều lần là 09 vụ việc với 22 lượt tiếp, không có đoàn đông người. Còn tại Trụ sở đơn vị thuộc Bộ đã tiếp lần đầu là 62 vụ việc, không có vụ việc tiếp nhiều lần, có 3 đoàn đông người.

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, trong kỳ Bộ đã nhận được 1.487 đơn, trong đó 611 đơn được gửi đến Bộ, 876 đơn gửi đến đơn vị thuộc Bộ. Trong số này số đơn, số vụ việc khiếu nại là 100 đơn; số đơn, số vụ việc tố cáo là 149 đơn và số đơn, số vụ việc kiến nghị, phản ánh là 1.165 đơn, trong đó 384 đơn gửi đến Bộ, 781 đơn gửi đến đơn vị thuộc Bộ.

Chú trọng hơn đến đời sống cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bộ Công thương đánh giá, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Bộ quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Việc tiếp công dân và phân loại, xử lý đơn thư luôn tuân thủ quy trình, thủ tục và đảm bảo giải quyết đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Bộ đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trực thuộc để cùng đơn vị giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không có tình trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp. So với cùng kỳ năm trước, nhìn chung số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Bộ Công Thương không có nhiều sự khác biệt.

Tuy vậy, vẫn còn một số trường hợp, quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của đơn vị trực thuộc chưa đảm bảo quy định của pháp luật dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Bộ Công Thương. Bên cạnh một số trường hợp, vì mục đích cá nhân, công dân cố tình khiếu nại, tố cáo thiếu căn cứ, thậm chí có lời lẽ, thái độ không phù hợp, gây bức xúc cho cán bộ tiếp dân.

Về công tác dự báo, Bộ Công thương nhận định, trong thời gian tới, với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, việc khiếu nại tố cáo của công dân vẫn tiếp tục phát sinh do Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, phát sinh khiếu nại, tố cáo không ở mức độ phức tạp, gay gắt hoặc phát sinh khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.

Theo đó, để thực hiện tốt, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ tốt cho nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh lực, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các đơn vị thuộc Bộ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hệ thống thông tin của Bộ Công Thương.

Đồng thời, tập trung xử lý đơn thư, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị cơ sở để hướng dẫn nghiệp vụ và cùng giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các đơn vị. Qua thực tiễn tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời có kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có kiến nghị kịp thời với cơ quan có thẩm quyền trong công tác tiếp dân, tiếp đoàn đông người, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, trạng thái tâm lý thoải mái cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Công thương cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo… để công dân tự xác định và gửi đơn thư đến đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị, giữa địa phương với các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương trong việc tiếp công dân, hạn chế các điểm nóng có thể xảy ra. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu cải tiến, hướng dẫn sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bộ Công thương cũng cho rằng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân. Và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài, đặc biệt những nước có đặc thù kinh tế, xã hội tương đồng với Việt Nam.

Cũng như chú trọng hơn đến đời sống cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do đây là công tác có đặc thù phức tạp, có nhiều áp lực, dễ gây căng thẳng cho cán bộ trong quá trình làm việc. Đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, trạng thái tâm lý thoải mái cho công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Hồng Đăng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra