Bộ LĐTBXH: nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ hai, 16/01/2023 16:31
(ThanhtraVietNam) - Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” và 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, phải kể đến những kết quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cụ thể, năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, qua đó giúp công tác giám sát, nắm tình hình và giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành LĐTBXH tại các địa phương; giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Năm 2022, Thanh tra toàn ngành LĐTBXH đã triển khai 2.273 cuộc thanh tra và 623 cuộc kiểm tra; ban hành 2.273 kết luận thanh tra, phát hiện 9.877 thiếu sót, sai phạm; 454 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bằng 108% năm 2021) với tổng số tiền xử phạt là 26.042.768.553 đồng; thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 198.011.631.403 đồng (bằng 110% năm 2021). Trong đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện 344 cuộc thanh tra; Thanh tra các Sở LĐTBXH đã thực hiện 1.868 cuộc thanh tra và 623 cuộc kiểm tra. Thực hiện theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thu hồi, các quyết định xử lý sau thanh tra.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2022, ngành LĐTBXH đã tiếp 10.571 lượt người, tiếp nhận 10.428 đơn, thư và giải quyết 322 vụ khiếu nại, tố cáo. Trong đó, tại Bộ đã tiếp 540 lượt công dân; tổng số đơn, thư tiếp nhận là 3.263 đơn, thư; đã xử lý 3.195 đơn, thư (tỷ lệ 97,9%); số đơn, thư chưa xử lý 68, trong đó Cục Người có công 62 đơn, thư, Vụ Bảo hiểm xã hội 6 đơn, thư. Việc tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị chế độ chính sách, tư vấn pháp luật về lao động, người có công và xã hội được công khai tại địa chỉ các hòm thư điện tử.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ đã triển khai Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 với các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất, chuyên đề theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện xác minh tài sản, thu nhập của 34 người là công chức, viên chức tại 10 đơn vị thuộc Bộ theo kế hoạch. Triển khai 10 cuộc thanh tra hành chính trong đó có nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết quả, chưa phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực tại 10 đơn vị được thanh tra.

Qua theo dõi hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị thuộc Bộ, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Xác định các vị trí việc làm thuộc đơn vị có nguy cơ xảy ra tham nhũng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa và phát hiện hành vi, dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện kê khai, tài sản thu nhập theo quy định.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, toàn ngành LĐXTBXH xác định cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2023; quán triệt phương châm của Bộ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; trong đó tập trung tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, các cơ sở giáo dục; thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lộ thiên, sản xuất xi măng; thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại các địa phương chưa thực hiện tự kiểm tra, rà soát hoặc tự kiểm tra, rà soát chưa đạt yêu cầu...

Đồng thời, tổ chức tốt các buổi tiếp công dân định kỳ ngày 20 hàng tháng và tiếp công dân hàng ngày, đảm bảo hoạt động tiếp công dân hiệu quả, chu đáo, thực chất, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân; chủ động đối thoại, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân; xử lý đơn thư nhanh chóng, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng tồn đọng đơn thư. Triển khai hiệu quả quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra