“Bốn đến cùng” - Để mỗi lá đơn đều là cơ hội gắn kết giữa chính quyền và nhân dân

Thứ tư, 04/12/2024 12:00
(ThanhtraVietNam) - Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chính xác, tận tâm và chuyên nghiệp. Trong buổi tập huấn cho huyện Bù Đăng, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, nguyên tắc “4 đến cùng” và “4 kỹ năng” được nhấn mạnh không chỉ mang tính chuyên môn mà còn thể hiện tính nhân văn, góp phần xây dựng niềm tin vững chắc từ nhân dân.

Ngày 4/12/2024, Trưởng Ban Tiếp công dân (TCD) Trung ương lần đầu tiên chủ trì Hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn, giải quyết KNTC của huyện Bù Đăng trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Hội nghị có sự tham gia của ông Bùi Hồng Mạnh, Phó Trưởng ban TCD Trung ương và đại diện các phòng Ban TCD Trung ương. Về phía tỉnh Bình Phước, có sự tham gia của ông Phạm Văn Thuấn, Chánh Thanh tra tỉnh; ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng và các cán bộ là lãnh đạo các phòng, ban thuộc UBND huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện Bù Đăng.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Thuấn, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước; ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng. 
leftcenterrightdel

Các cán bộ là lãnh đạo các phòng, ban thuộc UBND huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện Bù Đăng. 

Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ trong bối cảnh đổi mới và hội nhập

Đây là lần đầu tiên, Trưởng Ban TCD tập huấn nghiệp vụ dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Ban TCD Trung ương tại Thủ đô Hà Nội và điểm cầu tại Hội trường UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Hội nghị tập huấn trực tuyến do Trưởng Ban TCD Trung ương chủ trì tại Hà Nội kết nối với huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, mang lại nhiều lợi ích đáng chú ý. Hình thức này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực, giảm bớt chi phí di chuyển và thời gian chuẩn bị mà còn bảo đảm nội dung được truyền tải đầy đủ và nhất quán đến các cán bộ địa phương. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý không chỉ tạo điều kiện cho sự tương tác linh hoạt mà còn phản ánh quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công. Đây là giải pháp thực tiễn, giúp nâng cao năng lực xử lý công việc cho cán bộ trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Tại Hội nghị, Trưởng ban TCD Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định, tầm quan trọng của kỹ năng, thái độ và cách ứng xử chuyên nghiệp trong công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC. Theo ông, cán bộ TCD không chỉ cần trình độ chuyên môn sâu mà còn phải có tâm sáng, thái độ tận tụy để thực hiện tốt nhiệm vụ. Việc tạo dựng sự tự tin thông qua hiểu biết và giao tiếp chuẩn mực là yếu tố then chốt, đảm bảo thông điệp được truyền đạt chính xác, tránh hiểu lầm.

TCD không chỉ dừng lại ở việc giải quyết vụ việc mà còn là quá trình vận động, thuyết phục người dân tuân thủ pháp luật, góp phần duy trì trật tự xã hội. TCD cần sự linh hoạt trong giao tiếp, tránh cứng nhắc và máy móc. Một buổi TCD hiệu quả đòi hỏi cán bộ phải biết lắng nghe, đặt mình vào vị trí người dân, xử lý tình huống bình tĩnh, linh hoạt và thuyết phục.

Ngoài ra, việc sắp xếp cán bộ hợp lý và duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan là điều kiện tiên quyết để xử lý vấn đề một cách hiệu quả và toàn diện. Thực tế, công việc luôn đa dạng và phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải không ngừng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng và hoàn thành nhiệm vụ. Những nguyên tắc này không chỉ định hướng công việc mà còn thể hiện rõ tinh thần nhân văn, trách nhiệm trong công tác TCD.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng phát biểu khai mạc.
leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự tại hội nghị tập huấn. 

4 kỹ năng quan trọng cho cán bộ tiếp công dân “gối đầu”

Trưởng Ban TCD Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp đã hướng dẫn chi tiết về công tác xử lý đơn thư, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Việc xử lý đơn thư phải thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp, trong đó việc phân loại và xác định rõ thẩm quyền giải quyết là vô cùng quan trọng. Các đơn thư cần phải được phân loại theo đúng cơ quan có thẩm quyền và cần có sự theo dõi chặt chẽ để đảm bảo mọi vấn đề được giải quyết triệt để. Việc xác định chính xác nội dung tố cáo sẽ giúp phân bổ đúng thẩm quyền xử lý, tránh việc chuyển đơn không đúng địa chỉ hoặc gây lãng phí thời gian, công sức.

Liên quan đến các vấn đề nhân sự Đại hội, các cán bộ lưu ý việc xử lý đơn thư cần tuân thủ các quy trình chặt chẽ giống như Đại hội XIII, khi mà công tác này đã được tập huấn từ rất sớm. Đặc biệt, trong các đơn tố cáo, dù người tố cáo có yêu cầu hay không, cũng cần phải bảo mật thông tin cá nhân của họ, tránh tiết lộ tên khi chưa có sự đồng ý của họ.

Về quy trình giải quyết đơn tố cáo, các cán bộ TCD phải mời người tố cáo lên để xác minh tính xác thực của đơn thư, đồng thời kiểm tra các tài liệu kèm theo. Tất cả những thông tin này phải được ghi nhận đầy đủ trong biên bản và cần phải chốt lại rằng không còn thông tin nào khác cần bổ sung.

Một trong những thách thức lớn trong công tác giải quyết đơn thư là các đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo. Trong trường hợp này, ông Điệp yêu cầu cán bộ phải hướng dẫn người dân tách các phần khiếu nại và tố cáo thành hai đơn riêng biệt, để thuận tiện cho quá trình giải quyết. Đơn kiến nghị, phản ánh tuy phổ biến nhưng lại khó khăn trong việc giải quyết. Việc xử lý đơn kiến nghị có thể đơn giản hơn, nhưng giải quyết các đơn phản ánh lại vô cùng phức tạp và đòi hỏi phải hết sức thận trọng để tránh sai sót.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Điệp đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng đọc hiểu đơn thư, bởi vì đây là bước đầu tiên quyết định tính chính xác của việc xử lý đơn. Trong công tác TCD và giải quyết KNTC, ông Điệp đề xuất "4 đến cùng", đó là: GIẢI QUYẾT ĐẾN CÙNG; TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐẾN CÙNG; HỖ TRỢ ĐẾN CÙNG; XỬ LÝ ĐẾN CÙNG.

Cuối cùng, ông Điệp cũng chia sẻ về 4 kỹ năng quan trọng trong TCD mà mỗi cán bộ phải nằm lòng ghi nhớ: LẶNG LẼ QUAN SÁT, BÌNH TĨNH ĐỐI PHÓ, LÀM TỐT TỪNG VIỆC, QUYẾT KHÔNG ĐỐI ĐẦU với người dân. Những nguyên tắc này không chỉ giúp cán bộ thực hiện công việc một cách hiệu quả mà còn thể hiện tính nhân văn trong công tác TCD, tạo được sự tin tưởng từ phía người dân và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân trong môi trường công vụ.

Cũng trong phần trao đổi của mình, Trưởng ban TCD Trung ương dành thời gian để giải đáp, làm rõ các câu hỏi, các vấn đề, vướng mắc, khó khăn mà đại biểu đặt ra trong công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo.

leftcenterrightdel
 Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. 
leftcenterrightdel
Tập huấn nghiệp vụ dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Ban TCD Trung ương tại Thủ đô Hà Nội và điểm cầu tại Hội trường UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
leftcenterrightdel
Điểm cầu tại Hội trường UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước 

Luôn lắng nghe dân, hiểu dân, giải quyết mọi việc đến cùng

Phát biểu phúc đáp, thay mặt ngành Thanh tra tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Thuấn gửi lời cảm ơn sâu sắc từ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền tới ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban TCD Trung ương đã dành thời gian quý báu để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn vô cùng hữu ích. Những nội dung được truyền đạt tại buổi tập huấn không chỉ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn mà còn giúp các cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.

Ông Thuấn chia sẻ, ngành Thanh tra tỉnh Bình Phước luôn ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng. Qua đây, ông Thuấn cam kết sẽ chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị liên quan áp dụng những hướng dẫn, nguyên tắc "4 đến cùng" và "4 kỹ năng" mà ông Điệp chia sẻ, nhằm tạo sự thống nhất trong cách tiếp cận và xử lý vụ việc, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Cuối cùng, ông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ Ban TCD Trung ương, đồng thời khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tận tâm và gần gũi với nhân dân. "Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lời cam kết của chúng tôi với Đảng, Nhà nước và nhân dân," ông Thuấn kết luận.

leftcenterrightdel
Điểm cầu Ban TCD Trung ương tại Thủ đô Hà Nội. 
leftcenterrightdel
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp và ông Bùi Hồng Mạnh, Phó Trưởng ban TCD Trung ương.

Kết thúc buổi tập huấn, ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh, công tác TCD, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là sứ mệnh phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng và duy trì niềm tin vào chính quyền. Ông kêu gọi các cán bộ tiếp tục rèn luyện kỹ năng, giữ vững thái độ tận tâm và chuyên nghiệp trong công việc. Đồng thời, ông hy vọng rằng với những kiến thức và kinh nghiệm chia sẻ tại buổi tập huấn, các cán bộ sẽ vận dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp. "Hãy luôn lắng nghe dân, hiểu dân, và giải quyết mọi việc đến nơi đến chốn, để mỗi lá đơn đều là cơ hội gắn kết giữa chính quyền và nhân dân," ông khẳng định./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra