Cần bổ sung các trường hợp đình chỉ giải quyết khiếu nại
Thứ ba, 16/08/2022 08:43 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Điều 10 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: "Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại." Như vậy, việc đình chỉ giải quyết khiếu nại chỉ được thực hiện trong trường người khiếu nại rút đơn khiếu nại; ngoài ra, Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong trường hợp nào khác.
Thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 phát sinh 03 trường hợp dưới đây mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà không cần thiết phải nhận được đơn xin rút khiếu nại của người khiếu nại.
Cụ thể: Trường hợp thứ nhất, người khiếu nại khiếu nại quyết định hành chính của cơ quan nhà nước; trong quá trình thụ lý, xác minh khiếu nại, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định hành chính bị khiếu nại nhận thấy quyết định hành chính của mình không đúng quy định của pháp luật nên đã chủ động thu hồi, hủy bỏ quyết định và quyết định này chưa gây thiệt hại cho người khiếu nại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Do đối tượng bị khiếu nại không còn và chưa gây thiệt hại cho người khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại và thông báo cho người khiếu nại được biết.
Trường hợp thứ hai, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 124/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định: "4. Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Tuy nhiên, trong trường hợp người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại nhưng bị chết và không có người thừa kế hoặc người thừa kế của họ từ bỏ việc tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại do người chết để lại (có văn bản từ chối của những người thừa kế), thì lúc này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại và thông báo cho những người thừa kế được biết.
Trường hợp thứ ba, sau khi người có thẩm quyền thụ lý giải quyết khiếu nại và giao xác minh khiếu nại nhưng người khiếu nại đột nhiên mất tích, không thể liên lạc hoặc người khiếu nại vì một lý do nào đó mà không chịu hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Tổ xác minh khiếu nại để cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại, dẫn đến vụ việc khiếu nại không đủ cơ sở để xem xét, giải quyết. Đồng thời, người khiếu nại đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng không đến làm việc và cũng không chịu rút đơn khiếu nại. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể lấy lý do người khiếu nại vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 để ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại và thông báo cho người khiếu nại được biết.
Ngoài trường hợp người khiếu nại rút đơn khiếu nại, thì trong thực tiễn còn phát sinh các trường hợp nêu trên mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vẫn có thể ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại để chấm dứt việc thụ lý, giải quyết khiếu nại. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung các trường hợp đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong quá trình sửa đổi Luật Khiếu nại sắp tới./.
Đỗ Văn Nhân