Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15:

Cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ sáu, 10/03/2023 09:39
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những nội dung về công tác tiếp công dân (TCD) và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) đã được quy định khá đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu lực thi hành, thì vẫn còn một số nội dung chưa được quy định, vẫn còn những hoạt động phát sinh từ thực tiễn cần được bổ sung…

Đã ban hành cơ bản các quy định; kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo sự thống nhất trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật

Đánh giá về tình trạng văn bản trong công tác TCD, giải quyết KNTC, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện công tác TCD và giải quyết KNTC cơ bản đã đầy đủ, kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo sự thống nhất trong việc áp dụng các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan. Quá trình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy các quy định ban hành phù hợp với thực tiễn, đồng bộ, nội dung tương đối đầy đủ, thống nhất, bảo đảm hiệu lực thi hành.

Các quy định ngày càng được hoàn thiện, góp phần đề cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết KNTC; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức thực hiện quyền KNTC; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác rà soát, giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc KNTC phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài; bảo đảm công tác TCD, giải quyết KNTC đi vào nền nếp, đúng quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về tồn tại, hạn chế, kết quả giám sát chỉ rõ, vẫn còn một số nội dung chưa được hướng dẫn gây khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện, như việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân, việc ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành pháp luật về KNTC còn thiếu, chưa đầy đủ, cụ thể về một số nội dung như: về quy định việc đình chỉ việc giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại bị chết mà không xác định được người thừa kế để tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại; việc xác định cụ thể hành vi hành chính bị khiếu nại; ...

Một vấn đề khác cũng được Đoàn Giám sát chỉ ra chính là xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được phát hiện có sai phạm. Mặc dù đã có quy định nhưng đến nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết về căn cứ để xác định việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật cũng như quy trình xem xét lại vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai sót trong quá trình giải quyết dẫn đến tình trạng người khiếu nại cố tình không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, cũng không khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính mà tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương hoặc có trường hợp khi phát hiện việc giải quyết có sai nhưng không có cơ chế pháp lý để giải quyết lại.

Căn cứ thực tiễn, ý nghĩa chính trị thì việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính đã có hiệu lực pháp luật thực sự cần thiết và cần cụ thể hóa những dấu hiệu để xác định việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Nhà nước thực hiện.

leftcenterrightdel
Một phiên họp của Đoàn Giám sát. Ảnh:  quochoi.vn 

Nghiên cứu, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các bất cập trong thực tiễn

Cùng với đó, một số quy định của pháp luật về giải quyết tố cáo còn thiếu chi tiết, có những bất cập nhất định trong thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện như nội dung bảo vệ người tố cáo quy định tại Chương VI Luật Tố cáo năm 2018 với phạm vi, đối tượng rất rộng nhưng quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ chưa chi tiết, gây lúng túng trong việc xử lý yêu cầu của người được bảo vệ, cần được hướng dẫn rõ công an cấp nào, thuộc nơi người được bảo vệ thường trú hay nơi ở thực tế, hoặc việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe khi người được bảo là lao động tự do, có thể di chuyển qua nhiều địa bàn khác nhau .

Kết quả giám sát cũng chỉ ra rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung Luật giao còn chậm, như ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo chưa bảo đảm kịp thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Tố cáo năm 2018 nên dẫn đến một số quy định quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung chậm được hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, một số nội dung quy định chi tiết chưa thống nhất với pháp luật có liên quan dẫn đến khó khăn trong tổ chức, và một số nội dung quy định chưa bảo đảm tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn.

Qua giám sát việc thực hiện pháp luật về TCD, giải quyết KNTC giai đoạn 2016 - 2021 tại một số bộ, ngành và địa phương, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ một số nguyên nhân như  công tác tham mưu, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục... về TCD, giải quyết KNTC ở một số cơ quan chưa thực sự được quan tâm, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên việc ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung Luật giao còn chậm, có nội dung chưa được ban hành, chất lượng văn bản còn hạn chế;

Tiếp đó, việc đánh giá tác động của chính sách trong các văn bản quy định chi tiết khi trình cấp có thẩm quyền ban hành chưa đầy đủ, khách quan, toàn diện; các giải pháp để thực hiện chính sách chưa bám sát yêu cầu thực tiễn; một số nội dung chưa được rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản. Đồng thời, trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết nội dung Luật giao thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và các cơ quan, tổ chức có liên quan; việc tham gia góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan còn hình thức, có biểu hiện phó thác trách nhiệm cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì, có trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo phải xin ý kiến nhiều lần các cơ quan có liên quan nên việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, không kịp thời, đồng bộ với hiệu lực của văn bản cơ quan cấp trên.

Một nguyên nhân nữa cũng được chỉ ra đó là một số nội dung cần quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là những nội dung khó, phức tạp, nhiều nội dung chưa có sự thống nhất quan điểm giữa các cơ quan... làm ảnh hưởng tới tiến độ ban hành văn bản. Bên cạnh đó, số lượng vụ việc KNTC phải giải quyết ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, cùng với yêu cầu về thời hạn giải quyết, trong khi nguồn nhân lực thực hiện công tác này còn ít về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn nên đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật về TCD, giải quyết KNTC./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra