Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một bộ phận cấu thành của một nền kinh tế. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xây dựng thương hiệu ngày càng lớn mạnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế…, góp phần xây dựng và phát triển đất nước thì vẫn có nhiều doanh nghiệp ăn theo kiểu “chộp giật”, móc nối với cán bộ, công chức nhà nước. Thậm chí có doanh nghiệp là “sân sau” của các quan chức để câu kết làm ăn phi pháp, trục lợi từ các dự án có chủ trương đầu tư công nhằm “rút ruột” tiền ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp có hành vi lừa đảo, đưa hối lộ, làm ăn gian dối, trốn thuế… đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp không bị phát hiện sai phạm, “trót lọt” qua các nhiều đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ đến khi doanh nghiệp bị Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra thì nhiều sai phạm mới bị phanh phui, trong đó phát hiện nhiều quan chức có hành vi nhận hối lộ để “bảo kê” cho doanh nghiệp đã bị xử lý.
Có những người lao động của doanh nghiệp biết rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhưng không tố cáo vì nhiều lý do, như: Muốn giữ công việc có thu nhập để lo cho gia đình; bị chủ doanh nghiệp dụ dỗ, mua chuộc và ép buộc phải tiếp tay cho hành vi vi phạm (đồng phạm) của doanh nghiệp; sợ bị trù dập, trả thù hoặc bị đe dọa tính mạng của bản thân và gia đình… Nhiều người làm việc trong doanh nghiệp chọn nghỉ việc để không bị liên lụy với hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Tuy cũng có người đứng ra tố cáo bằng hình thức gửi đơn thư nặc danh, mạo danh… về hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhưng lại bị cơ quan, người có thẩm quyền bao che, bưng bít thông tin và không xử lý hành vi vi phạm.
|
|
Ảnh minh họa, nguồn: laodong.vn |
Mặc dù, pháp luật về tố cáo có quy định về việc bảo vệ người tố cáo nhưng việc thực thi quy định này ở khu vực ngoài nhà nước chưa thật sự hiệu quả, chưa tạo được niềm tin của người tố cáo; chưa có cơ chế khuyến khích, bảo vệ và khen thưởng xứng đáng đối với người tố cáo; hơn nữa nếu chủ doanh nghiệp phát hiện thì sẽ bị sa thải ngay. Chính vì sợ bị sa thải và muốn yên thân nên đa số người lao động trong các doanh nghiệp thường chọn im lặng để tiếp tục làm việc hoặc nghỉ việc để tìm công việc khác.
Khác với khu vực ngoài nhà nước, đối với khu vực nhà nước thì việc cán bộ, công chức tố cáo hành vi vi phạm thường rất phổ biến. Nếu cán bộ, công chức tố cáo đúng thì sẽ được pháp luật bảo vệ, tuyên dương, khen thưởng… Người vi phạm là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước sẽ bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự… Do đó, việc trả thù, trù dập đối với cán bộ, công chức tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan nhà nước là rất khó thực hiện.
Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo của người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp về hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng, nhất là phải đảm bảo việc làm có thu nhập và phù hợp với trình độ chuyên môn của người tố cáo nhằm động viên, khuyến khích những người này yên tâm tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp.
Có như vậy, mới góp phần ngăn chặn các doanh nghiệp làm ăn phi pháp; đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế; hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính./.