Khiếu nại tăng 331 trường hợp so cùng kỳ
Theo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 681 đơn khiếu nại, tăng 331 trường hợp so cùng kỳ. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy hoạch kéo dài không thực hiện. Đến nay, đã giải quyết 606/681 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9%.
Thực tế cho thấy, tình hình khiếu nại của công dân tăng nhiều so với cùng kỳ, nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc tỉnh thực hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh, dự án mở rộng nâng cấp phát triển đô thị Vị Thanh,...
Theo ông Lưu Ngọc Đông, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, hiện có nhiều nguyên nhân làm phát sinh các vụ việc khiếu nại, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, nguyên nhân chính khiến khiếu nại phát sinh là do xung đột lợi ích khi thu hồi đất. Bởi một khi người dân cảm thấy các vấn đề như về giá đất, cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… chưa được giải quyết thỏa đáng thì họ sẽ thực hiện quyền khiếu nại.
Thực tế, một số hộ dân có khiếu nại đều liên quan đến giá bồi thường nhiều dự án hiện nay thấp so với giá thị trường khiến họ thiệt thòi. Bởi trong một số trường hợp sau khi Nhà nước bồi thường tiền đất, số tiền bồi thường không đủ để người dân mua lại cùng diện tích đất khác để sinh sống, làm ăn.
Việc thu hồi, định giá, kiểm đếm, kiểm kê tài sản trên đất; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có lúc, có nơi làm chưa tốt dẫn đến công dân không chấp nhận, yêu cầu đòi quyền lợi cao hơn. Bên cạnh đó, một số hộ dân do nhận thức chưa đúng, nên dù đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhiều lần, đúng quy định nhưng vẫn khiếu nại, tố cáo.
Nhiều dự án triển khai việc thu hồi đất nhưng việc công khai, minh bạch về giá đất, giải thích các quy định về hỗ trợ, tái định cư làm chưa tốt, dẫn đến việc người dân hiểu chưa hết hoặc không rõ các chính sách, có sự so sánh giữa các hộ với nhau dẫn đến khiếu nại.
Tăng cường công tác đối thoại, hòa giải ngay từ lúc phát sinh ở cơ sở
Theo UBND tỉnh, những tháng cuối năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục thu hồi nhiều diện tích đất, phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm, do đó tình hình khiếu nại sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung ở lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tăng, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các ngành, địa phương thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, giải pháp trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân.
Trong đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại; tập trung chỉ đạo thực hiện những giải pháp chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thường phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; chú trọng tổ chức thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật…
Xây dựng hệ thống dữ liệu và hồ sơ quản lý đất đai đầy đủ, đồng bộ làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh; song song đó, cần triển khai thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất phù hợp, đảm bảo tính chính xác, công khai, dân chủ, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị, yêu cầu khiếu nại liên quan; tập trung nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng cơ chế phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và đơn vị liên quan đảm bảo tính liên thông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khi phát sinh khiếu nại cần tăng cường công tác đối thoại, hòa giải để giải quyết ngay từ lúc phát sinh ở cơ sở.
Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và hết sức quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tăng cường công tác phối hợp, kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị, đề cao vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng Nhân dân các cấp trong tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo khách quan, đúng quy định pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc quá hạn, tỷ lệ giải quyết phải được sự đồng thuận cao./.