Đ/c Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An:
Thời gian gần đây mặc dù đã có sự phối hợp tốt trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng vẫn còn một số vụ việc các cơ quan ở Trung ương chưa theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết. Có những vụ việc cấp tỉnh, cấp huyện đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng các cơ quan ở Trung ương vẫn chuyển đơn về địa phương yêu cầu giải quyết, người dân căn cứ phiếu chuyển đơn của cơ quan Trung ương đến UBND tỉnh yêu cầu giải quyết, trả lời, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, xử lý.
|
|
Đ/c Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Oanh |
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Tiếp công dân Trung ương tăng cường phối hợp, trao đổi với các địa phương, đơn vị của tỉnh Nghệ An để tiếp nhận, xử lý chính xác các vụ việc khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân. Khi có đơn do công dân của tỉnh Nghệ An gửi đến, đề nghị các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương chỉ đạo các bộ phận liên quan trao đổi với Ban Tiếp công tỉnh Nghệ An để nắm bắt, cập nhật thông tin về kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân, tránh trường hợp vụ việc đã được giải quyết, trả lời nhiều lần nhưng Trung ương tiếp tục chỉ đạo giải quyết, tạo kỳ vọng cho người dân, dẫn đến người dân đeo bám khiếu kiện gây mất ổn định tình hình ở địa phương.
Liên quan đến công tác đối thoại, vận động công dân trở về địa phương, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng tình trạng công dân khiếu kiện tụ tập đông người và công dân khiếu kiện chây ỳ kéo ra trụ sở các cơ quan Trung ương vẫn còn.
Vấn đề này, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã nhận thức đúng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, luôn coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Đối với trường hợp công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Thủ đô, Ban Tiếp Công dân tỉnh đã phối hợp với địa phương thành lập Tổ công tác tiếp, vận động và bố trí đưa công dân trở về địa phương, tránh để công dân lưu trú dài ngày bị phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, kích động.
Ban Tiếp công dân tỉnh thường xuyên phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương và các ngành, đơn vị có liên quan, khi có công dân tập trung đông người lên tỉnh và ra Trung ương khiếu kiện phải thông báo cho Chủ tịch UBND cấp huyện (địa bàn có công dân khiếu kiện) trực tiếp tham gia vận động, thuyết phục và đưa công dân trở về địa phương, không để xảy ra diễn biến phức tạp. Với các địa phương, giao Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh: Nếu để công dân địa phương mình tập trung đông người lên tỉnh và ra Trung ương khiếu kiện; phải cử tổ công tác và trực tiếp tham gia vận động, thuyết phục, bố trí phương tiện đưa công dân trở về địa phương (điển hình là trường hợp bà Hồ Thị Niên, đề nghị trả lại 650 m2 đất tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương đã được UBND huyện Thanh Chương giải quyết khiếu nại lần 1, UBND tỉnh Nghệ An giải quyết khiếu nại lần 2, tạo điều kiện hỗ trợ để công dân ổn định cuộc sống. Các ngành các cấp rà soát nhiều lần khẳng định việc giải quyết đã đảm bảo đúng chế độ chính sách, quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, ra Ban Tiếp dân Trung ương nhiều lần để gây mất trật tự. UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần cử cán bộ ra Hà Nội để vận động, thuyết phục và đưa công dân về địa phương).
PV: Từ thực tiễn kết quả chỉ đạo về công tác TCD, giải quyết KNTC của các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An thời gian qua, đồng chí hãy chia sẻ kinh nghiệm về các mặt công tác này tại địa phương và kiến nghị của Nghệ An?
Đ/c Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An:
Một số kinh nghiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Thứ nhất: Chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, nhất là Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Chỉ thị số 35 CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ,... Kế hoạch số184-KH/TU ngày 04/01/2019 của Tỉnh ủy; Chỉ thị số 02/CT -UBND ngày 01/07/2019 của UBND tỉnh.
Thứ hai: Phải thường xuyên rà soát, kiện toàn cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân của cơ quan, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Duy trì và tổ chức tốt công tác tiếp công dân tại trụ sở, làm tốt nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thụ lý giải quyết; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Thứ ba: Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; tiếp tục tăng cường phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh, Thanh tra tỉnh và các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Thứ tư: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng’’; thực hiện tốt kế hoạch, phương án tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của tỉnh.
Thứ năm: Xây dựng hệ thống phần mềm dữ liệu hồ sơ vụ việc liên thông các cấp phục vụ cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn để việc theo dõi, xử lý đơn tránh trùng lặp, tiện lợi cho việc cập nhật kết quả giải quyết và tổng hợp báo cáo.
Kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan Trung ương:
Thứ nhất: Điều 15 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ phân công người tiếp công dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên ở cấp xã, phường, thị trấn chủ yếu là phân công cho cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch, chưa có công chức chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên nên gặp khó khăn trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư.
Thứ hai: Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đặc biệt là những trường hợp vi phạm nghĩa vụ của công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tâm lý an tâm công tác cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba: Về bảo vệ người tố cáo, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương thức, quy trình phối hợp; quy định rõ cơ quan có trách nhiệm nào phải xây dựng phương án bảo vệ người tố cáo; cần quy định cụ thể việc yêu cầu gia hạn thời gian bảo vệ; hướng dẫn các biện pháp để hỗ trợ người tố cáo khôi phục lại điều kiện sống, làm việc, học tập bình thường sau khi kết thúc việc giải quyết tố cáo.
Thứ tư: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Nghệ An chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng QL 1A, để giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người kéo dài này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
K. Dung (thực hiện)