Giải quyết 91% vụ việc khiếu nại, tố cáo
Năm 2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp 3.367 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 3.006 vụ việc (giảm 216 lượt chiếm tỷ lệ 06% và giảm 160 vụ việc chiếm tỷ lệ 05% so với năm 2022); tiếp nhận 3.961 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 820 đơn chiếm tỷ lệ 17% so với năm 2022). Số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính đã được giải quyết là 150/164 vụ việc (119/131 vụ việc khiếu nại, 31/33 vụ việc tố cáo) phải giải quyết, đạt tỷ lệ giải quyết là 91%.
|
|
Chợ trung tâm Buôn Ma Thuột. Nguồn: https://baodaklak.vn/ |
Nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án; khiếu kiện, tranh chấp đất đai liên quan đến các Công ty nông, lâm nghiệp; việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất; sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai; khiếu nại về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức…
Qua giải quyết khiếu nại cho thấy, trong tổng số 94 đơn/94 vụ việc giải quyết bằng quyết định hành chính thì: Khiếu nại đúng 24 đơn/24 vụ việc; khiếu nại đúng một phần: 05 đơn/05 vụ việc; khiếu nại sai 46 đơn/46 vụ việc; chấp nhận kết quả giải quyết lần đầu 16 đơn/16 vụ việc; hủy, sửa kết quả giải quyết lần đầu 03 đơn/03 vụ việc. Các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị bồi thường cho công dân 395 triệu đồng.
Qua giải quyết tố cáo cho thấy, có 21 vụ việc tố cáo sai (trong đó, tố cáo sai tiếp 01 vụ việc); tố cáo đúng 01 vụ việc; tố cáo có đúng có sai 08 vụ việc; rút toàn bộ nội dung tố cáo 01 vụ việc. Các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 26 triệu đồng và 13,6m2 đất.
100% tiểu thương chợ tạm đã di dời và không còn khiếu kiện
Liên quan đến kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/7/2019, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 120/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk về chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trong đó có vụ việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của một số tiểu thương chợ tạm thành phố Buôn Ma Thuột; Kết luận số 715-KL/TU ngày 23/10/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án hỗ trợ kinh phí cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm di dời vào khu B chợ Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột; UBND tỉnh tổ chức, triển khai, thực hiện, hỗ trợ cho 321 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ tạm là hơn 33,5 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Nhà nước); những hộ tiểu thương chợ tạm sau khi đăng ký vào kinh doanh tại khu B Chợ trung tâm được miễn tiền thuê quầy sạp 12 tháng đầu kinh doanh, giảm 50% cho 24 tháng tiếp theo (Công ty Chợ Buôn Ma Thuột thực hiện)). Hiện nay, 100% tiểu thương chợ tạm đã di dời và không còn khiếu kiện.
Rà soát theo Kế hoạch số 363, có 09 vụ việc thuộc thẩm quyền, giải quyết dứt điểm 02 vụ
Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại phức tạp tồn đọng, kéo dài; ngày 17/4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 859/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; ngày 22/4/2019, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-TTr về việc thành lập Bộ phận giúp việc cho Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Kế hoạch số 01/KH-TCT ngày 10/6/2019 của tổ công tác 859 về việc kiểm tra rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài; Kế hoạch số 13/KH-TCT ngày 05/02/2021 của Tổ công tác 859 về việc bổ sung Kế hoạch số 01/KH-TCT, ngày 10/6/2019 của Tổ công tác 859 về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 09 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đến nay, đối với vụ việc đông người (03 vụ): Các cơ quan hành chính đã giải quyết dứt điểm 02 vụ, đang tiếp tục kiểm tra, rà soát 01 vụ việc. Đối với các vụ việc đơn lẻ đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại (06 vụ việc) - trong đó, có 04 vụ việc đã được các cơ quan giải quyết dứt điểm; 01 vụ việc đã giải quyết theo trình tự các hướng dẫn tại Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên hiện nay còn vướng mắc trong việc xác định giá đất khi lập phương án bồi thường; có 01 vụ khiếu nại công dân không hợp tác (vụ việc của bà Tr.X L đại diện ủy quyền là bà Ph.T. T.M, trú tại Buôn Ma Thuột).
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành đã cơ bản thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cơ bản thực hiện tốt chế độ tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Chất lượng công tác tiếp công dân đã được nâng lên, các khiếu nại, tố cáo của công dân đã được tiếp nhận, giải thích, hướng dẫn và xử lý, giải quyết đúng quy định. Đặc biệt, đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đông người, phức tạp, kéo dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp chủ trì các cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc, qua đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án giải quyết dứt điểm.
Thực tiễn còn nhiều bất cập
Mặc dù vậy, việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ở một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở còn chậm so với thời gian quy định của pháp luật. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có một số vụ việc còn kéo dài, chất lượng giải quyết còn thấp, chưa dứt điểm; có vụ việc triển khai thực hiện chưa nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức chưa phong phú nên hiệu quả chưa cao. Nhận thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thống nhất, nhất là việc xác định thẩm quyền giải quyết, hình thức văn bản giải quyết khiếu nại, dẫn đến chuyển đơn lòng vòng.
Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý đất đai còn có những bất cập, thiếu đồng bộ, các văn bản pháp luật về quản lý đất đai, các quy định về giá bồi thường, hỗ trợ thay đổi thường xuyên, do đó, đưa vào áp dụng gặp khó khăn. Một số vụ việc khiếu nại, thời gian xảy ra đã quá lâu, những tồn tại có tính lịch sử, như: Việc cho thuê, cho mượn đất trong Nhân dân; việc đưa đất vào các tập đoàn sản xuất, các nông, lâm trường trước đây, không có hoặc không lưu giữ đầy đủ các tài liệu, sổ sách khi trưng dụng, thu hồi, bồi thường về đất. Vì vậy, hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, cho nên việc thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ phục vụ cho việc xem xét giải quyết gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa chặt chẽ, có những vụ việc phức tạp, ý kiến giải quyết giữa các cơ quan liên quan còn khác nhau nhưng không kịp thời trao đổi, bàn bạc thấu đáo dẫn đến việc giải quyết vụ việc không dứt điểm.
Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng của một số bộ phận Nhân dân còn hạn chế nên đã gửi đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết, gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều ngành; có một số trường hợp đơn đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết và tiếp tục có đơn gửi đến các cấp, các ngành, kể cả các cơ quan Trung ương. Mặt khác, lực lượng cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cấp, các ngành còn ít và không ổn định; điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác còn hạn chế.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định xử lý sau thanh tra
Năm 2024, trước tình hình trong nước và địa phương có nhiều biến động phức tạp, khó lường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh nhiều và phức tạp, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Khiếu kiện đông người, phức tạp có thể phát sinh ở những địa phương làm không tốt trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, tuyên truyền, công khai minh bạch và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Ngoài ra các đối tượng xấu có thể lợi dụng cơ hội để kích động, lôi kéo, mua chuộc người dân khiếu nại, tố cáo đông người, tập trung, gây áp lực với chính quyền hoặc có những hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân. Thêm nữa, chính sách, pháp luật về lĩnh vực quản lý đất đai trong thời gian tới tiếp tục có sự sửa đổi, có thể làm phát sinh tâm lý so sánh việc áp dụng pháp luật cũ và mới, dẫn đến khiếu kiện.
Chính vì thế, địa phương định hướng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, không để phát sinh điểm “nóng” về khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, gắn với rà soát, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, tập trung ở những địa bàn phức tạp, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nói trên, địa phương kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt thực hiện Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.
K. Dung