Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15:

Cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn tố cáo theo đúng quy định của pháp luật

Thứ hai, 20/03/2023 17:54
(ThanhtraVietNam) - Việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết tố cáo của công dân được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền; ban hành kết luận giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo, bí mật thông tin người tố cáo; chuyển những tố cáo có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Giải quyết tố cáo khách quan đúng quy định và được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ

Đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, thời gian qua thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn tố cáo. Công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, tin báo tố giác tội phạm đã được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ, liên thông giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết tố cáo của công dân được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định của pháp luật về tố cáo từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý, tổ chức thực hiện xác minh, ban hành kết luận giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo, bí mật thông tin người tố cáo, chuyển ngay những tố cáo hành chính được phát hiện có dấu hiệu hình sự ngay cả khi chưa có kết luận tố cáo sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, việc tổ chức thông tin, thông báo kết quả giải quyết tố cáo đã được các cơ quan thực hiện bài bản, thận trọng, công tâm, khách quan đúng quy định và được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, đã được các cơ quan khẩn trương xác minh, kết luận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tuy vậy, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong việc xử lý đơn tố cáo, nhất là đơn tố cáo hành vi hành chính với đơn tố cáo có nội dung tố giác tội phạm.

Mặt khác, công tác thẩm tra, xác minh giải quyết vụ việc tố cáo nhiều nơi chưa kỹ, thiếu chủ động, đánh giá chứng cứ, còn có một số vụ việc người được giao xác minh chỉ lấy thông tin trên hồ sơ, tài liệu, không xác minh thực tế, không trực tiếp làm việc với người tố cáo, dẫn đến phát sinh một số ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến việc cán bộ chưa công khai, minh bạch trong kiểm tra, xác minh tham mưu giải quyết tố cáo.

Vẫn còn tình trạng ban hành thông báo thay thế cho kết luận tố cáo còn xảy ra ở một số nơi; có biểu hiện né tránh nhất là trong trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đối với những trường hợp này, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo còn thiếu chủ động và thường trông chờ vào việc giải quyết của cấp ủy đảng.

leftcenterrightdel
 Đoàn Giám sát của UBTVQH khóa XV giám sát tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn

Vẫn còn hạn chế của hệ thống pháp luật và khâu tổ chức thực hiện cần được khắc phục

Kết quả được Đoàn Giám sát ghi nhận khi thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016 - 2021 ghi nhận, qua công tác giải quyết tố cáo, đã thu hồi về cho Nhà nước 335,742 m2 đất, 153,471 tỷ đồng; công nhận, trả lại cho tổ chức, cá nhân 1,8 ha đất, 448 tỷ đồng; xử lý sai phạm đối với 1.673 cá nhân và 314 tập thể, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc; số vụ việc tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 31% trong tổng số vụ việc tố cáo cho thấy việc công dân, tổ chức tố cáo có yếu tố đúng còn khá lớn, phản ánh chất lượng công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, để xảy ra nhiều sai phạm, làm gia tăng tình hình khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở, vẫn còn tình trạng giải quyết một số vụ việc chưa đúng, thiếu khách quan, để kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; chất lượng giải quyết còn sai sót cả về căn cứ áp dụng pháp luật, vi phạm về trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết; việc tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo nhiều trường hợp còn chậm, chưa triệt để.

Nguyên nhân được chỉ ra chính là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên nhân phát sinh tố cáo. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán có nhiều “kẽ hở” tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính.

Đồng thời, cũng có những nguyên nhân về tổ chức thực hiện, như công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn nhiều yếu kém, nhất là trong lĩnh vực đất đai do bị buông lỏng trong một thời gian dài nên đã xảy ra nhiều sai phạm. Quá trình thu hút đầu tư, thu hồi đất thực hiện các dự án, chưa giải quyết được “hài hòa” mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước, của chủ đầu tư với lợi ích của người có đất bị thu hồi.

Việc chấp hành kỷ luật hành chính trong công tác giải quyết tố cáo chưa được coi trọng; quá trình giải quyết tố cáo chưa bảo đảm công khai, dân chủ và chất lượng giải quyết chưa cao. Phẩm chất chính trị đạo đức của một số cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình.

Không những vậy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết tố cáo còn thiếu về số lượng; năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của cán bộ còn hạn chế, ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở cán bộ, công chức làm công tác giải quyết tố cáo còn nhầm lẫn giữa tố cáo với khiếu nại, kiến nghị. Cũng như không nắm vững các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo nên việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều lúng túng.

Bên cạnh nguyên nhân nhận thức pháp luật của một bộ phận công dân còn hạn chế, nhiều trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ tố cáo sai sự thật; cá biệt có kẻ xấu đã lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục những người tố cáo đến các cơ quan nhà nước tạo áp lực nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội. Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, tạo điều kiện cho những người có chức quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay nói cách khác là nhận hối lộ./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra