Có thái độ chuẩn mực, văn minh lịch sự trong công tác tiếp công dân

Thứ tư, 27/07/2022 14:27
(ThanhtraVietNam) - Cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm loại bỏ những thủ tục rườm rà, quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; qua đó, góp phần đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Công khai các thủ tục hành chính có ý nghĩa quan trọng như: Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân chủ động nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan đến công việc của mình và khi đến cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính sẽ thuận tiện và đỡ tốn thời gian đi lại; trong trường hợp này, cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ sẽ không có "cơ hội" để gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Hiện nay, hầu hết các cơ quan nhà nước đều niêm yết nội quy, quy chế tiếp công dân và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa quan tâm đến những quy định này. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng "tham nhũng vặt", cán bộ, công chức tự "đẻ" thêm các quy định trái pháp luật để "hành dân". Để chấn chỉnh tình trạng này, theo tác giả cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần phải giáo dục cán bộ, công chức phải biết cười khi tiếp công dân. Bởi lẽ, khi cười thì tinh thần, thái độ làm việc và kết quả giải quyết hoàn toàn khác với khi cán bộ, công chức nhăn mặt, cáu gắt hay quát nạt. Vấn đề này tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại rất quan trọng, vì nó là "bộ mặt" của cơ quan nhà nước.

Thứ hai, thường xuyên khuyến khích công dân đánh giá, phản ánh thái độ tiếp công dân của cán bộ, công chức. Nếu cán bộ, công chức có biểu hiện không chuẩn mực, phát ngôn thiếu văn hóa hoặc để xảy ra vi phạm trong quá trình tiếp công dân thì phải kiểm tra, xác minh làm rõ, nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, công khai để công dân được biết.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân. Cán bộ, công chức phải trải qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng này thì mới đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp chấn chỉnh một số cơ quan, đơn vị, địa phương tùy tiện trong việc cử cán bộ, công chức tiếp công dân không phù hợp như hiện nay.

Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ, công chức trực tiếp công dân để nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, cũng như ý thức phục vụ công dân.

Phải biết cười khi tiếp công dân không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa vụ của cán bộ, công chức. Cười khi tiếp công dân là một nét đẹp có văn hóa, tạo nên tình cảm tốt đẹp trong quá trình giải quyết công việc. Nếu đa số cán bộ, công chức tiếp công dân làm được điều này sẽ góp phần xây dựng nền hành chính thân thiện, hiện đại, gần dân và vì dân phục vụ.

Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra