Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Nghị quyết số 113/2015/QH ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Đồng thời, Bộ đã triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đến toàn thể cán bộ, công chức viên chức các đơn vị trực thuộc. Bộ xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm thường xuyên, lấy hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC làm một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Cùng với việc triển khai các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này, như: Chỉ thị số 21/CT-BCT ngày 10/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Kế hoạch số 5556/KH-BCT ngày 02/8/2019 của Bộ Công Thương về việc phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 1530/QĐ-BCT ngày 07/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế Tiếp công dân của Bộ Công Thương… Bộ đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp công dân của đơn vị mình cho phù hợp với quy định, đáp ứng tình hình thực tế.
|
|
Nội quy Tiếp công dân được Bộ Công Thương niêm yết ngay tại Trụ sở Tiếp công dân của Bộ. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Việc giải quyết KNTC có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trực thuộc
Theo Báo cáo kết quả công tác giải quyết KNTC năm 2022 của Bộ Công Thương (từ 01/8/2021 đến 31/7/2022), công tác giải quyết KNTC luôn được Bộ xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục. Quá trình xem xét, giải quyết đơn KNTC đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Bộ.
Đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh được gửi đến Bộ Công Thương từ nhiều nguồn khác nhau, gồm: Đường bưu điện, gửi trực tiếp tại Trụ sở Tiếp dân của Bộ, từ Phiếu chuyển đơn của các cơ quan khác... Nội dung đơn phản ánh liên quan đến các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, hành chính...; có những nội dung đơn phản ánh có cơ sở, có những đơn phản ánh đúng một phần, có những đơn phản ánh đúng về mặt hiện tượng nhưng không đúng về mặt bản chất, vu khống, bôi nhọ...
Đối với đơn thuộc thẩm quyền, Bộ Công Thương giao Thanh tra Bộ, các đơn vị chức năng tham mưu, giải quyết. Đối với những đơn không thuộc thẩm quyền xử lý, Bộ Công Thương chuyển đơn hoặc hướng dẫn người viết đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân tăng/giảm của tình hình KNTC là do Bộ là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực về công nghiệp và thương mại, nhiều mặt hàng, sản phẩm thiết yếu liên quan trực tiếp đến tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân nên việc phát sinh KNTC, phản ánh, kiến nghị là không tránh khỏi. Ngoài ra, người dân, người lao động không nắm rõ về thẩm quyền của Bộ Công Thương khi các Tập đoàn, Tổng công ty đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên số lượng đơn gửi về Bộ Công Thương rất lớn, ảnh hưởng đến việc xử lý và thống kê đơn.
Năm 2022 (từ 01/8/2021 đến 31/7/2022), Bộ tiếp 6 lượt công dân, không có đoàn đông người; tiếp nhận tổng số 629 đơn. Trong đó, thẩm quyền giải quyết của Bộ là 72 đơn, thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc Bộ là 313 đơn, thẩm quyền của các cơ quan khác là 244 đơn phản ánh trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội, hành chính...
|
|
Trụ sở Bộ Công Thương. (Ảnh: Hoàng Minh) |
Đối thoại là phương pháp hiệu quả trong giải quyết KNTC
Việc tiếp công dân thường xuyên của Bộ Công Thương được thực hiện trong các ngày làm việc của cơ quan Bộ (trừ ngày nghỉ, ngày lễ, Tết) tại Phòng Tiếp công dân thuộc Trụ sở làm việc của Bộ (số 54 Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Thanh tra Bộ là cơ quan thường trực tiếp công dân của Bộ. Phòng Tiếp công dân của Bộ được bố trí thuận tiện, có đầy đủ các trang thiết bị theo quy định; đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho công dân. Lịch tiếp công dân của Bộ trưởng được thông báo công khai trên cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và tại Phòng tiếp công dân tại cơ quan Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày vào ngày Thứ 6 tuần thứ 3 của tháng. Trường hợp Bộ trưởng đi vắng sẽ ủy quyền cho một đồng chí Thứ trưởng tiếp công dân thay cho Bộ trưởng hoặc sẽ được bố trí vào thời gian thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng sẽ bố trí tiếp công dân ngoài lịch định kỳ.
Thanh tra Bộ Công Thương chủ trì tiếp công dân từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, từ 08 giờ đến 12 giờ và 13 giờ đến 17 giờ; địa điểm tại Phòng Tiếp công dân, trụ sở Bộ Công Thương.
Đáng chú ý, công tác tiếp công dân, đối thoại luôn được lãnh đạo Bộ Công Thương coi trọng quan tâm chỉ đạo kịp thời nên được thực hiện tốt và nghiêm túc. Bộ phận tiếp công dân được bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên trách, được chỉ đạo là lãnh đạo cấp Vụ, có kinh nghiệm, năng lực tốt. Cán bộ tiếp dân lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân. Với nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ, Thanh tra Bộ báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết, phối hợp với Vụ chức năng làm việc với đơn vị chỉ đạo giải quyết. Với những nội dung không thuộc thẩm quyền của Bộ, cán bộ tiếp dân giải thích, hướng dẫn công dân và chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Việc tổ chức đối thoại trong giải quyết KNTC; gắn công tác tiếp công dân với giải quyết KNTC được Bộ Công Thương quan tâm, coi đây là phương pháp hiệu quả trong công tác giải quyết KNTC. Trong năm 2022, Bộ Công Thương có 16 vụ việc người KNTC thực hiện rút đơn sau khi tham gia các buổi đối thoại do Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục KNTC mà không khởi kiện vụ việc ra Tòa án hành chính. Theo Bộ Công Thương, xảy ra tình trạng này chủ yếu do người KNTC còn chưa thực sự nắm vững pháp luật, chưa có đủ tư vấn về pháp lý, còn tâm lý e ngại sợ ràng buộc về mặt pháp lý nếu khởi kiện ra Tòa án hành chính. Do đó, dù không đồng ý với kết quả giải quyết nhưng không muốn khởi kiện ra Toà án nhân dân mà lựa chọn tiếp tục KNTC. Cá biệt có những trường hợp dù không cung cấp được thêm bằng chứng, nội dung, tình tiết mới, hoặc bằng chứng, nội dung, tình tiết mới không rõ ràng, không đủ tính pháp lý để làm cơ sở tiếp tục xem xét giải quyết nhưng vẫn tiếp tục KNTC, gây khó khăn, lãng phí, mất thời gian, để vụ việc kéo dài.
Có thể thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC những năm qua được Bộ Công Thương chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, giúp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân; đồng thời kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế./.