Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH5:

Đôn đốc, thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Thứ sáu, 17/03/2023 18:11
(ThanhtraVietNam) - Nhiều vụ việc kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, dư luận quan tâm đã được xử lý, giải quyết, thấu tình, đạt lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được quan tâm và có những chuyển biến tích cực…

Việc giải quyết khiếu nại của công dân về cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục

Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết khiếu nại của công dân về cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định của pháp luật về khiếu nại từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý, tiến hành xác minh, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, một số bộ ngành, địa phương đã ban hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn Việt Nam 9001 và 2015 trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Kết quả là nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, dư luận quan tâm đã được xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, khách quan đúng quy định của pháp luật thấu tình, đạt lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được quan tâm và có những chuyển biến tích cực.

Kết qủa giám sát đã chỉ ra, trong quá trình giải quyết nhất là các vụ việc khiếu nại phức tạp đông người đã có sự tham gia tích cực, hiệu quả và thực chất của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, Hội luật gia, Đoàn luật sư, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh. Hoạt động đối thoại được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết quan tâm, trong quá trình giải quyết, nhất là giải quyết khiếu nại lần 2 được quy định là thủ tục bắt buộc theo quy định tại Điều 39 của Luật khiếu nại.

Thủ trưởng cơ quan hành chính xác định đối thoại là một khâu quan trọng để làm rõ kết quả kiểm tra, xác minh đối với những vấn đề mà công dân còn chưa nhất trí trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại; việc đối thoại được tiến hành công khai dân chủ, khách quan, các bên tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến của mình và đều được ghi vào biên bản đối thoại… làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại đúng pháp luật, từ đó các vụ việc được giải quyết dứt điểm.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại như việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại với đơn kiến nghị, phản ánh dẫn đến việc tham mưu, áp dụng pháp luật trong xử lý đơn, giải quyết khiếu nại của công dân có trường hợp còn thiếu chính xác hoặc sai sót nhất định.

Chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa kỹ, có sai sót nên dẫn đến nhiều vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần. Vẫn còn một số ngành, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết, cử cán bộ tham gia đối thoại không đúng thành phần; chậm triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, chậm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh; chậm có ý kiến về lĩnh vực chuyên môn khi được hỏi ý kiến.

Qua giám sát, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại là thể chế và khâu tổ chức thực hiện.

Cụ thể, về thể chế, kết quả giám sát chỉ ra, văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực, nhất là các vụ việc liên quan đến cơ chế chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, mỗi địa phương quy định khác nhau nên khi giải quyết không bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý hoặc gây lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.

leftcenterrightdel
Đoàn Giám sát - UBTVQH khóa XV giám sát tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn 

Người đứng đầu vẫn chưa quyết liệt trong giải quyết, đặc biệt là các vụ việc tồn đọng, kéo dài

Một số quy định của pháp luật nội dung còn bất cập, hạn chế, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại và phát sinh vụ việc đông người, phức tạp như quy định việc phân cấp điều chỉnh quy hoặc quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của cư dân sinh sống tại chung cư đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức…

Về khâu tổ chức thực hiện, Đoàn Giám sát chỉ rõ, nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài qua các thời kỳ, quá trình giải quyết phải xác minh, thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, trong khi việc lưu trữ tài liệu trong lĩnh vực quản lý đất đai ở cấp cơ sở còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu một số đơn vị còn chưa quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc, các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật do còn nể nang, ngại va chạm khi tổ chức thực hiện. Chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Việc triển khai lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng sau khi có quy hoạch chung xây dựng của các huyện đạt tỉ lệ thấp dẫn đến việc cấp giấy phép xây dựng các công trình, nhà ở riêng lẻ và quản lý trật tự xây dựng gặp khó khăn. Nội dung một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa tốt, một số định hướng quy hoạch thiếu tính khả thi hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tế, phải rà soát, điều chỉnh cục bộ nhiều lần. Việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng còn tùy tiện, chưa được công bố, công khai theo quy định, vi phạm trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và quản lý đô thị, quản lý nhà chung cư; xác nhận nguồn gốc đất và việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án. Một số nơi còn buông lỏng trong công tác quản lý nhà đất. Việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên liên tục.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó kinh phí đào tạo chưa được quan tâm đứng mức, nên việc đào tạo bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức làm công tác này chưa được thường xuyên, trong khi khối lượng đơn thư lớn, phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ cũng là trở ngại ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý về đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức, chưa được triển khai, thực hiện đồng bộ. Cũng như nhận thức của một số công dân về những quy định của pháp luật về đất đai, về khiếu nại còn hạn chế; còn có tâm lý khiếu nại cầu may; một số công dân cố tình khiếu nại kéo dài, có những yêu cầu không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật, cũng là trở ngại trong việc giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra