Nghị Quyết 623/QH-UBTVQH15:

Đồng bộ chính sách pháp luật, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ để phục vụ Nhân dân tốt hơn

Thứ ba, 14/03/2023 06:12
(ThanhtraVietNam) - So với giai đoạn trước, số lượt người, số lượt đông người đều tăng. Tuy số vụ việc khiếu nại giảm nhẹ nhưng số vụ việc tố cáo tăng hơn 100% số đơn và hơn 30% số vụ việc, điều này đòi hỏi phải phân tích, nhận định được nguyên nhân từ đó có giải pháp xử lý, giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính…

Chậm giải quyết, chất lượng giải quyết lần đầu của cấp cơ sở chưa cao là nguyên nhân khiếu kiện vượt cấp

Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021 cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì tình hình khiếu nại, tố cáo cũng diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt.

So với giai đoạn 2011 - 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 112,5% số đơn và 31,3% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án (chiếm trên 69,5%); các kiến nghị, phản ánh, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp.

Kết quả giám sát ghi nhận các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật đất đai 2013 có hiệu lực. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thực hiện dự án công viên nghĩa trang, Khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.

Bên cạnh đó, tình trạng gửi đơn khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương, cụ thể theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số đơn thư Bộ này nhận được, có 49,6% đơn trùng, đơn không đủ điều kiện xử lý; 94,5% đơn không thuộc thẩm quyền; qua tiếp công dân đã tiếp nhận 817 vụ việc nhưng chỉ có 17 vụ việc thuộc thẩm quyền; qua tiếp nhận đơn thư qua đường bưu điện 9.159 vụ việc nhưng chỉ có 280 vụ việc thuộc thẩm quyền.

Nguyên nhân của việc công dân gửi đơn thư vượt cấp, gửi không đúng thẩm quyền, được cho là do việc chậm trễ giải quyết ở cấp cơ sở hoặc công dân không tin tưởng vào kết quả giải quyết của cấp cơ sở. Ngoài ra, cũng còn nguyên nhân khác như: công dân muốn gửi đơn đến nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương nhằm gây sức ép với các cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết.

Đi sâu vào phân tích, đánh giá nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo, Đoàn Giám sát nhận định do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mối quan hệ phát sinh, đan xen và diễn biến nhanh, việc điều chỉnh bằng văn bản pháp luật và công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, y tế, giáo dục ...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân

Dù Chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng trong một số trường hợp chưa giải quyết được hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất; một số chủ trương, chính sách đất đai còn bất cập. Một số vụ việc khiếu nại về nhà đất do lịch sử để lại khó giải quyết dứt điểm khi chính sách, pháp luật đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp của một số cơ quan có thẩm quyền còn chưa kịp thời, đầy đủ, khách quan, có biểu hiện hình thức. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Có nơi còn tình trạng mất đoàn kết, thiếu dân chủ, mâu thuẫn trong nội bộ hoặc bao che, không kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Cũng như nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên khiếu nại, tố cáo không đúng. Nhiều vụ việc đã được giải quyết, đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình, đã kiểm tra, rà soát, trả lời, có văn bản thông báo chấm dứt, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, gây rối trật tự hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện đông người, phức tạp, vượt cấp.

Cũng theo Đoàn Giám sát, trong thời gian tới khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất.

Cùng với đó, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại được dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến hết sức phức tạp do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp.

Khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống.

Cũng như trong lĩnh vực tư pháp, khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp, việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục gia tăng đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm hoàn thiện thể chế và tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền tư pháp./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra