Ngày 28/11/2024, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đã chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 11 theo Luật Tiếp công dân đối với một số vụ việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 11. Ảnh: L.A |
Cùng tham dự buổi tiếp công dân gồm có: Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp; đại diện Lãnh đạo Cục I, Thanh tra Chính phủ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan thuộc thành phố Hà Nội.
Vụ việc thứ 2 mà Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy tiếp là vụ ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH IDC, Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
|
|
Ông Lê Quốc Khánh (ảnh đứng), Giám đốc Công ty TNHH IDC, Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ảnh: L.A |
Công dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Dự án Khu nhà ở Văn phòng cho thuê tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Cụ thể:
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội đền bù cho Công ty một Dự án khác có giá trị tương đương hoặc thanh toán và bồi thường bằng tiền theo điều 30, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế số 24/LCT/HĐNN8 ngày 25/9/1989;
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội trả cho Công ty 6.000m2 đất ở vị trí khác có giá trị tương đương hoặc thanh toán tiền theo giá thị trường tại thời điểm hiện hành;
Đề nghị Nhà nước cùng các sở, ngành thực hiện chỉnh trang quy hoạch dự án; Công ty TNHH IDC phối kết hợp chỉnh trang 7.900m2 đã được giao khớp nối đô thị.
|
|
Trưởng ban Tiếp công dân Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: L.A |
Liên quan tới vụ việc này, Trưởng ban Tiếp công dân Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ, đã tiếp bác Khánh từ cách đây mười mấy năm, nhưng vẫn nhớ rất rõ, có thể nói, đây là một số người còn lại là cổ đông hoặc có liên quan tới quyền lợi của cổ đông, được các cổ đông mời làm đại diện về mặt pháp lý của công ty.
“Gọi là công ty cho oai, chứ hiện tại, không còn hoạt động gì mang tính chất của một công ty. Mà đây là đại diện để giải quyết các tồn tại của một Dự án, nếu chúng ta thực hiện tốt từ cách đây 35 năm, sau 5 năm xong thì đã biến thành một phố cũ của Hà Nội, thậm chí còn đẹp hơn, vì có hồ, có cảnh quan, cây xanh…”, ông Điệp cho hay.
Vụ việc xuất phát từ việc công ty được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận làm Dự án này, lúc đó có 2 vướng mắc, một là việc giải phóng mặt bằng, sau đó không phải vướng về pháp lý mà liên quan tới luật pháp về đê điều, nên không thực hiện được.
Khi được giao Dự án thì có 1 phần rất quan trọng, đó là công ty quyết tâm làm với 77 cổ đông tham gia đóng góp tiền, toàn bộ nghĩa vụ đóng góp với nhà nước công ty nộp đầy đủ theo đúng yêu cầu; công ty còn hỗ trợ cùng với quận lúc đó để xử lý đền bù, khắc phục tồn tại để thực hiện.
Đến thời điểm hiện tại, bà con vẫn lên Trụ sở Tiếp công dân để gửi đơn, đề nghị xử lý ngay để các công dân được cấp sổ đỏ, xây nhà, sửa nhà. Cũng cho tới thời điểm hiện tại, rất nhiều chỉ đạo, có cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đơn, cả Giám sát của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và rất nhiều văn bản của Thanh tra Chính phủ, nhưng vấn đề nằm ở việc thực hiện, không có một trả lời nào từ các cơ quan liên quan.
Qua 35 năm, có nhiều người trong số họ đã chết, vừa qua một số công dân đã được cấp sổ, hiện tại, còn nhiều công dân vẫn chưa được trả tiền hoặc không cấp được sổ đỏ cho 72 hộ dân. “Sau 35 năm mà đòi hỏi giấy tờ cụ thể liên quan việc thuê máy móc ở đâu, hợp đồng thuê đâu, san ủi thế nào, hóa đơn mua đất san lấp đâu… thì đúng là rất khó”, ông Điệp chia sẻ với các công dân và doanh nghiệp.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương kiến nghị đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị lãnh đạo UBND TP. Hà Nội có kế hoạch, mời đại diện pháp luật còn lại của công ty lên, giải quyết từng nội dung cụ thể của công dân, có lộ trình rõ ràng 1 năm, 2 năm hay 3 tháng, 4 tháng, báo cáo lại lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để dứt điểm vụ việc.
Sau khi nghe ý kiến trình bày của đại diện các cổ đông, doanh nghiệp, ý kiến của các cơ quan tham dự, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy rất chia sẻ, khi vụ việc kéo dài hơn 30 năm chưa được giải quyết xong.
|
|
Toàn cảnh buổi tiếp công dân định kỳ tháng 11 của Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A |
Theo đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát các quy định, phối hợp với đại diện chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án, đảm bảo lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư và cá nhân liên quan. Tất cả những việc đã có giải pháp khả thi rồi, giải quyết được sớm là giải quyết ngay, không cầu toàn phải đưa tất cả ra giải quyết cùng một lúc.
Ví dụ, liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng hay cấp sổ đỏ mà các ngành thấy rằng đã đủ điều kiện, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đề nghị giải quyết ngay, dứt điểm cho người dân.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP. Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để cùng chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, sớm có đề xuất với lãnh đạo UBND TP để giải quyết vụ việc theo quy định.
Về phía chủ đầu tư, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị chủ đầu tư tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để sớm thống nhất giải pháp trình lãnh đạo TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm vụ việc.
Về phía Thanh tra Chính phủ, giao Ban Tiếp công dân Trung ương và Cục I tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các sở, ngành TP. Hà Nội.
Cố gắng để các sở, ngành thống nhất được với chủ đầu tư đến 31/3/2025 để có các giải pháp trình lãnh đạo TP. Hà Nội./.