Giải quyết khiếu nại, tố cáo triệt để từ cơ sở

Thứ sáu, 28/04/2023 10:00
(ThanhtraVietNam) - Tại Đắk Lắk, thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Thủ trưởng các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất, gắn liền việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, bố trí thời gian hợp lý để trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giải quyết ngay từ cơ sở

Đặc biệt, khi phát sinh những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, những vụ việc khiếu nại, tranh chấp về đất đai, bồi thường, giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất thì Thủ trưởng các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo, giải quyết ngay từ cơ sở, hạn chế mức thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp không để phát sinh thành điểm nóng, gây ảnh hưởng an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phải làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những cơ quan, cán bộ, công chức đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính trái pháp luật.

Cụ thể, ba tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp 768 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 742 vụ việc (giảm 224 lượt chiếm tỷ lệ 22,5% và giảm 199 vụ việc chiếm tỷ lệ 21% so với Quý I năm 2022); tiếp nhận 1.130 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 181 đơn chiếm tỷ lệ 13,8% so với Quý I năm 2022).

Số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính đã được giải quyết là 22 vụ việc/48 vụ việc (17 vụ việc/39 vụ việc khiếu nại, 05 vụ việc/09 vụ việc tố cáo) phải giải quyết, đạt tỷ lệ giải quyết là 46%.

Qua tổng hợp cho thấy, nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án; khiếu kiện, tranh chấp đất đai liên quan đến các công ty nông, lâm nghiệp; việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất; sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai; khiếu nại về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức…

Kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại đúng có 01 đơn/01 vụ việc; khiếu nại đúng một phần có 02 đơn/02 vụ việc; khiếu nại sai 11 đơn/11 vụ việc; chấp nhận kết quả giải quyết lần đầu 03 đơn/03 vụ việc. Qua giải quyết, cơ quan chức năng kiến nghị bồi thường cho công dân 374.478 triệu đồng.

Tổng số đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước là 09 đơn/09 vụ; đã giải quyết 05 đơn/05 vụ việc (đạt 56%) thì cả 05 vụ việc đều là tố cáo sai, đang xem xét, giải quyết giải quyết 04 đơn/04 vụ việc, chiếm 44%.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cơ bản thực hiện tốt chế độ tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Chất lượng công tác tiếp công dân đã được nâng lên, các khiếu nại, tố cáo của công dân đã được tiếp nhận, giải thích, hướng dẫn và xử lý, giải quyết đúng quy định.

Còn nhiều bất cập

Mặc dù vậy, việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ở một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở còn chậm so với thời gian quy định của pháp luật. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có một số vụ việc còn kéo dài, chất lượng giải quyết còn thấp, chưa dứt điểm; có vụ việc triển khai thực hiện chưa nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức chưa phong phú nên hiệu quả chưa cao. Nhận thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa thống nhất, nhất là việc xác định thẩm quyền giải quyết, hình thức văn bản giải quyết khiếu nại, dẫn đến chuyển đơn lòng vòng.

Những hạn chế trên còn tồn tại một phần do cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý đất đai còn có những bất cập, thiếu đồng bộ, các văn bản pháp luật về quản lý đất đai, các quy định về giá bồi thường, hỗ trợ thay đổi thường xuyên, do đó, đưa vào áp dụng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số vụ việc khiếu nại, thời gian xảy ra đã quá lâu, những tồn tại có tính lịch sử, như: Việc cho thuê, cho mượn đất trong Nhân dân; việc đưa đất vào các tập đoàn sản xuất, các nông, lâm trường trước đây, không có hoặc không lưu giữ đầy đủ các tài liệu, sổ sách khi trưng dụng, thu hồi, bồi thường về đất. Vì vậy, hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, cho nên việc thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ phục vụ cho việc xem xét giải quyết gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa chặt chẽ, có những vụ việc phức tạp, ý kiến giải quyết giữa các cơ quan liên quan còn khác nhau nhưng không kịp thời trao đổi, bàn bạc thấu đáo dẫn đến việc giải quyết vụ việc không dứt điểm. Nhận thức pháp luật nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng của một số bộ phận Nhân dân còn hạn chế nên đã gửi đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết, gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều ngành; có một số trường hợp đơn đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết và tiếp tục có đơn gửi đến các cấp, các ngành, kể cả các cơ quan Trung ương. Mặt khác, lực lượng cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cấp, các ngành còn ít và không ổn định; điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác còn hạn chế.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, nguồn: daklak.gov.vn

Tăng cường thanh tra trách nhiệm

Để khắc phục được những hạn chế nói trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cần phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản luật có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; chủ động giải quyết ngay các vụ mới phát sinh, không để kéo dài, hạn chế thấp nhất đơn vượt cấp góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, gắn với rà soát, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, tập trung ở những địa bàn phức tạp, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra