Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15:

Hệ thống tiếp công dân từ trung ương đến địa phương là cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước

Thứ tư, 15/03/2023 12:13
(ThanhtraVietNam) - Chất lượng công tác tiếp công dân đã có chuyển biến rõ rệt, hệ thống tiếp công dân từ trung ương đến địa phương được kiện toàn đồng bộ, vận hành hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu làm cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chung và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có chuyển biến tích cực

Sau khi Trung ương ban hành Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, do đó công tác tiếp công dân đã có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống tiếp công dân từ trung ương đến địa phương được kiện toàn đồng bộ, vận hành hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, là cầu nối giữa người dân với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình chung và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết quả giám sát của Đoàn Giám sát - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực, đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân hơn so với trước đây. Tại các buổi tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu thường gắn liền với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Qua đó, nhiều vụ việc đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng”.

Đồng thời, việc tổ chức và thực hiện tiếp công dân thường xuyên của các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và thực hiện theo đúng quy định của Luật Tiếp dân. Trong quá trình tiếp dân, người tiếp dân luôn có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; kịp thời xử lý, chuyển đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Kết quả kiểm tra tại một số bộ, ngành và địa phương cho thấy, nơi tiếp công dân về cơ bản đã bố trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ công tác tiếp công dân; nội quy, quy chế tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được niêm yết công khai. Đồng thời, công chức làm công tác tiếp công dân là những người có năng lực, trình độ chuyên môn về pháp luật và có trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ; việc bảo đảm chế độ, chính sách cho công chức tiếp công dân đã được quan tâm.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là giữa cơ quan hành chính, cơ quan dân cử, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội luật gia, Đoàn luật sư đã được coi trọng. Tại các các địa phương đã thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã phát huy vai trò, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hiểu biết pháp luật của người dân.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy định vẫn còn chưa thống nhất, khâu tổ chức thực hiện vẫn còn chưa hiệu quả như mong muốn

Đoàn Giám sát đã chỉ ra rằng, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp ở một số cơ quan, địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó, tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 38%, Chủ tịch tỉnh đạt 56%, Chủ tịch huyện đạt 94%, Chủ tịch xã đạt 49% so với quy định.

Ở một số địa phương trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân cho rằng mô hình tiếp công dân cấp huyện hiện nay chưa thực sự hiệu quả, chưa gắn được trách nhiệm của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo với hoạt động tiếp công dân.

Cùng với đó, quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều nên cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và bảo đảm khả thi trong thực tiễn.

Nguyên nhân được chỉ ra là do một số quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn có những bất cập nhất định trong thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện, có thể kể ra như: quy định về mô hình tiếp công dân cấp huyện; việc thực hiện tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan không có chức năng quản lý nhà nước hoặc có nhưng thực tế không phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân của đơn vị sự nghiệp công lập...

Bên cạnh đó, nguyên nhân về tổ chức thực hiện cũng được chỉ ra, trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, người đứng đầu chưa cao, tỷ lệ ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ còn nhiều, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại tiếp dân của một bộ phận người đứng đầu cơ quan.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trong khi khối lượng đơn thư lớn, phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ.

Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa khuyến khích được cán bộ nâng cao trách nhiệm và yên tâm công tác. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng dù đã có nhiều cố gắng, song còn mang nặng tính hình thức, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra