Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15:

Kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến rõ rệt

Thứ sáu, 03/03/2023 14:01
(ThanhtraVietNam) - Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) đã được UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn; công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc rà soát các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài…

Phấn đấu 100% người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tiếp dân định kỳ theo quy định

Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo

Thực hiện phương châm “trọng tâm, trọng điểm” tập trung vào các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch chi tiết riêng đối với hoạt động giám sát trực tiếp tại 08 bộ, ngành và 06 địa phương, đồng thực hiện một số hoạt động khảo sát tại Bộ ngành và địa phương trước khi Đoàn giám sát trực tiếp làm việc.

Cách làm này đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, khách quan, chính xác, toàn diện và giúp Đoàn giám sát có những đánh giá sâu sắc hơn, rõ ràng hơn; đặc biệt có những ví dụ cụ thể để minh chứng cho những nhận định, đánh giá của Đoàn và thuyết phục hơn đối với đề xuất, kiến nghị qua hoạt động giám sát.

Bộ, ngành, địa phương đều đánh giá rất cao cách thức tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát. Qua hoạt động khảo sát của Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, kịp thời báo cáo bổ sung các nội dung theo đề cương, nhất là bảng biểu, số liệu theo đúng yêu cầu của Đoàn giám sát. Việc tổ chức Tổ công tác đã giúp cho Đoàn giám sát có điều kiện chủ động, linh hoạt hơn về thời gian thực hiện khảo sát, làm việc có trọng tâm, trọng điểm và huy động được nhiều hơn trí tuệ của chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ quan, địa phương, lĩnh vực được giám sát.

Với chương trình làm việc, Đoàn giám sát đã tổ chức 06 Phiên họp để đánh giá, thảo luận, tham gia ý kiến vào các Dự thảo Báo cáo nhằm bổ sung và hoàn thiện các Báo cáo kết quả giám sát. Các Phiên họp của Đoàn giám sát được thực hiện dân chủ, khách quan bảo đảm yêu cầu của hoạt động giám sát.

Trong thời gian đó, dù tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với nỗ lực, cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn giám sát đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ và mục tiêu đề ra. Lãnh đạo Đoàn giám sát thường xuyên có chỉ đạo sát sao Tổ giúp việc, tổ chức các cuộc họp với các Tổ công tác tại bộ, ngành, địa phương để sát với thực tiễn, điều chỉnh kịp thời hoạt động giám sát cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Cũng theo đánh giá của Đoàn giám sát, trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát, các cơ quan đã cơ bản gửi đầy đủ, công phu, đánh giá khá sâu sắc, toàn diện và bám sát đề cương của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, qua đánh giá bước đầu Báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát có 55/63 UBND tỉnh, thành phố và 17/19 bộ ngành đã gửi Báo cáo nhưng chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung theo đề cương, biểu mẫu; chưa bảo đảm tính chính xác; chưa làm rõ nguyên nhân, tồn tại hạn chế; chưa nêu rõ cụ thể vướng mắc của pháp luật; giải pháp khắc phục còn nêu chung chung; chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ký báo cáo gửi Đoàn giám sát .

leftcenterrightdel
 Một phiên làm việc của Đoàn Giám sát. Ảnh: quochoi.vn

Chuyển biến trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp

Thông qua hoạt động giám sát thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Đoàn giám sát ghi nhận một số chuyển biến tích cực như việc thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và sự phối hợp của cơ quan hành chính với cơ quan tòa án, viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ việc khiếu kiện hành chính và vụ việc dân sự khi có yêu cầu.

Cùng với đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là một số vụ việc thuộc danh sách rà soát của Đoàn Giám sát; một số vụ việc đã được Đoàn giám sát xem xét, có ý kiến cụ thể, như: vụ việc đề nghị công nhận liệt sỹ đối với quân nhân Trần Đình Thi ở Thái Nguyên, vụ việc công nhận liệt sỹ đối với quân nhân Hồ Hai ở Đồng Nai; một số vụ việc phức tạp khác đã được các cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh đẩy nhanh tiến độ và sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm thời gian, tiến độ theo yêu cầu.

Đoàn Giám sát cũng ghi nhận công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã được coi trọng và tăng cường, nhất là trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, môi trường... Trong năm 2022, trong số vụ việc đã được giải quyết tỷ lệ công dân khiếu nại có yếu tố đúng là 17,1%; tố cáo có yếu tố đúng 19,7% thấp hơn khá nhiều so với bình quân 05 năm trước ; thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp trong 05 năm (2016 - 2021) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc nhưng chỉ riêng đối với năm 2022, qua công tác giải quyết tố cáo các cơ quan hành chính đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng, trong đó có 13 cán bộ, công chức có sai phạm.

Không những vậy, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để cụ thể hóa các quy định trong các văn bản pháp lý cao hơn và phù hợp với thực tiễn của ngành lĩnh vực quản lý và địa phương, như Nghị định 55/2022/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thông tư số 13/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Ngoài ra, nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế có nguyên nhân về cơ chế xác định đơn giá đất bồi thường chưa sát với giá đất được giao dịch trên thị trường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) phục vụ thu hồi đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án. Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất ở tại thành phố Thủ Đức và các quận từ 3 đến 15 lần, huyện ngoại thành là từ 8 - 15 lần bảng giá đất do nhà nước ban hành; hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp từ 7 đến 35 lần giá đất trong bảng giá do UBND Thành phố ban hành./.

Đoàn Thanh Kỳ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra