Sát sao trong chỉ đạo, điều hành
Việc quán triệt, tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị và các quy định pháp luật liên quan về công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và Nhân dân được Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ, lãnh đạo Bộ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo trong các kỳ sinh hoạt của Đảng bộ, cấp ủy, Thủ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ) đều được triển khai nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Tại các đơn vị thuộc Bộ đều bố trí vị trí tiếp công dân, việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan đơn vị thuộc Bộ và bộ phận giúp việc được triển khai nghiêm túc, đúng quy định.
Năm 2022 (từ ngày 01/8/2021 đến ngày 31/7/2022), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp 17 lượt công dân, giảm 20 lượt (tương đương 54%) so với cùng kỳ năm 2021; tiếp nhận 1.018 đơn; đã và đang giải quyết 100% số đơn thuộc thẩm quyền.
|
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai Kế hoạch số 3537/KH-BTTTT về việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ đến tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của cơ quan Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, tạo cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ các chủ trương, giải pháp để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo nhằm góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Công tác tiếp dân tại Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, tại Bộ Thông tin và Truyền thông không có vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp.
|
|
Một phiên tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2022. (Ảnh: mic.gov.vn) |
Chỉ đạo cơ quan báo chí tuyên truyền kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm
Với chức năng quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn quán triệt, chỉ đạo hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Bộ luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Những năm qua, các cơ quan báo chí bám sát định hướng, tích cực, chủ động thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật. Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành... Tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; giải đáp chính sách pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo luôn được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chú trọng. Một trong chín mục tiêu chính của Bộ Thông tin và Truyền thông khi xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là tập trung làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra hàng năm là tập trung làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, đề xuất biện pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc.
|
Bên cạnh đó, đưa các tin, bài phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật khiếu nại, tố cáo; tích cực thông tin về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những thông tin này giúp cho người dân giám sát hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, những thông tin mà báo chí cung cấp cũng giúp cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, trong những năm qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện các phóng sự điều tra về lĩnh vực nóng như giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... Từ đó phát hiện, đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật về đất đai, phản ánh đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Thông qua báo chí, nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều quyết định hành chính về đất đai sai trái bị đưa ra ánh sáng, nhờ đó cơ quan chức năng đã vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.
Ngoài ra, việc thực hiện các bài phỏng vấn, tọa đàm về chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; phỏng vấn công chức làm công tác chuyên môn về áp dụng pháp luật trong giải quyết các tình huống cụ thể cũng là những bài học kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cần có Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ có những thay đổi và mở rộng; các lĩnh vực quản lý của Bộ cũng đang là những vấn đề “nóng” và “nhạy cảm” hiện nay. Vì vậy, Bộ nhận định trong thời gian tới dự báo các vụ việc khiếu nại, tố cáo vẫn sẽ còn phát sinh và có thể có những vụ việc có nội dung phức tạp.
Để có được đội ngũ cán bộ chuyên viên có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm để tham mưu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thanh tra Chính phủ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đặc biệt, Bộ kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng xây dựng, ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, như: Trách nhiệm của người khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật; khiếu nại, tố cáo đã được hướng dẫn và giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn tới nhiều cơ quan, đơn vị; lợi dụng quyền dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo, xúi giục tổ chức khiếu nại đông người, vượt cấp.
Mặt khác, Bộ cho rằng, cần chuyển dịch hoạt động thanh tra sang kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời cũng như cảnh báo từ sớm, từ xa, không để vi phạm xảy ra và gây hậu quả nặng nề, góp phần hạn chế các khiếu nại, khiếu kiện của người dân, người sử dụng dịch vụ./.