Nội dung trên đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong Báo cáo số 1715/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đã được phản ánh đầy đủ
Cụ thể, qua tổng hợp ý kiến đề xuất của bộ, ngành, địa phương về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh (KNPA) và nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đã được phản ánh đầy đủ.
Theo đó, các hành vi vi phạm tập trung vào 03 nhóm chính cần xử phạt:
Nhóm thứ nhất, bao gồm các hành vi tập trung đông người tại nơi tiếp công dân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC để la hét hoặc phát ra những âm thanh gây náo động, ùn tắc giao thông; đập phá các công trình, tài sản tại nơi tiếp công dân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC; mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ, cưỡng ép người khác để tụ tập đông người để KNTC sai sự thật... đây là biêu hiện của hành vi gây mất trật tự công cộng. Chế tài để xử lý các hành vi này đã được quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhóm thứ hai, bao gồm các hành vi dùng cử chỉ, lời nói, hành động xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của cán bộ tiếp công dân, giải quyết KNTC, KNPA. Người có hành vi này nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự) hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự).
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021; phòng, chống bạo lực gia đình và điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Nhóm thứ ba, bao gồm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết KNTC. Các hành vi này đã được quy định tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Các nghị định này đã quy định chi tiết hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết KNTC có hành vi vi phạm pháp luật và có dẫn chiếu các quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức để xử lý người có hành vi vi phạm.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy (ảnh đứng) chỉ đạo tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 10/2024 tại Tuyên Quang. Ảnh: L.A |
Việc xây dựng Nghị định có thể gây hiểu nhầm
Bên cạnh đó, KNTC là quyền con người, quyền công dân được ghi nhận tại Hiến pháp 2013. Việc đề xuất xây dựng Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC, KNPA có thể gây hiểu nhầm và tạo dư luận xấu đối với các cơ quan nhà nước. Đồng thời, ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh các thế lực thù địch chống phá, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, quyền con người để xuyên tạc đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ những lý do nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ không xây dựng một Nghị định riêng quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC, KNPA.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ chuyển Báo cáo (tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC, KNPA) tới các bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
Nếu phát hiện những hành vi chưa được pháp luật điều chỉnh thì các bộ, ngành chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020./.