Phổ biến, quán triệt Chỉ thị 35-CT/TW với hình thức phong phú và nội dung thiết thực thiết thực
Trước đó, trong bối cảnh tình hình khiếu kiện của công dân diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc gay gắt, đặc biệt là tại thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Có nhiều vụ việc công dân tụ tập thành đoàn đông người kéo đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu kiện. Đáng chú ý, có không ít vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Một số trường hợp công dân bức xúc khi không đạt được mục đích, có hành vi manh động, quá khích, gây rối, lăng mạ, mạt sát, bắt giữ, xúc phạm danh dự cán bộ đang thực thi công vụ, tự quay phim, chụp ảnh đăng tải lên các trang mạng xã hội. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Sau khi Chỉ thị 35-CT/TW được ban hành, Thanh tra Chính phủ đã chủ động phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị. Với các hình thức phổ biến, quán triệt phong phú, thiết thực, như tổ chức hội nghị, lồng ghép trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ; kết hợp quán triệt Chỉ thị với việc phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan, như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Chú trọng việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác TCD, giải quyết KNTC, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cục, vụ, đơn vị tập trung rà soát, hệ thống hóa, sơ kết, tổng kết để tham mưu Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật về TCD, giải quyết KNTC.
Thanh tra Chính phủ xác định công tác phối hợp trong công tác TCD, giải quyết KNTC là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với những vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài. Thanh tra chính phủ đã xây dựng kế hoạch TCD, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban với các cơ quan Trung ương và điạ phương để thống nhất kế hoạch, nhiệm vụ trong việc TCD đến khiếu kiện trong dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, những ngày lễ lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các Hội nghị Trung ương Đảng khóa XII và các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV vừa qua.
Cùng với đó, nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực KNTC. Xác định rõ nội dung và đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể về công tác giải quyết KNTC, đưa vào định hướng hằng năm khi xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra để đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện.
Thực hiện phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức cho luật gia, luật sư tư vấn miễn phí tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương nhằm tạo điều kiện cho công dân được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và qua đó thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật cho công dân.
Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ
Thanh tra Chính phủ luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 35-CT/TW, xác định công tác kiểm tra, đôn đốc, thanh tra trong việc TCD, giải quyết KNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của mình. Thanh tra Chính phủ đã tham mưu và được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý danh sách 35 vụ việc thuộc 21 địa phương vào diện Tổ công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết theo Quyết định 1849/QĐ-TTg. Theo đó, Tổ công tác đã trực tiếp làm việc tại 10 địa phương, với 24 vụ việc gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai. Hiện nay, còn 11 địa phương với 11 vụ việc Tổ công tác chưa thực hiện kiểm tra, rà soát gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Qua công tác kiểm tra, theo dõi, tổng hợp việc thực hiện Quyết định 1849/QĐ-TTg và Kế hoạch 363/KH-TTCP của các địa phương cho thấy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Tổ công tác, phê duyệt Kế hoạch và lập danh sách các vụ việc để rà soát theo Kế hoạch 363; các Tổ công tác có sự tham gia của lãnh đạo sở, ban, ngành theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Đến nay, tổng số vụ việc do Thanh tra Chính phủ và các địa phương lập danh sách để rà soát là 1.052 vụ việc, đã thực hiện rà soát 940/1.052 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,35%; trong đó địa phương lập danh sách 765 vụ việc, đã rà soát 736/765 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,08%, một tỷ lệ khá cao theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp tốt với các địa phương tăng cường tập huấn nghiệp vụ TCD, giải quyết KNTC. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng, ban hành Thông tư số 320/2016/TT-BTC, ngày 14/12/2016 quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác TCD, xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản; ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 03/2016/TT-TTCP, ngày 29/12/2016 quy định về trang phục đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ TCD thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân các cấp.
|
|
Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND TP Hải Phòng. Ảnh: L.A |
Ngoài ra, việc đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC vào hoạt động từ năm 2018 đã làm tăng hiệu quả trong công tác TCD, giải quyết KNTC bằng việc thông tin về các vụ việc KNTC được quản lý tập trung, thống nhất ngay khi bắt đầu phát sinh vụ việc. Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp dân tại Trụ sở TCDTW và người sử dụng tại các bộ, ngành, địa phương trực tiếp tiếp công dân, xử lý đơn thư, in phiếu giải quyết KNTC ngay trên hệ thống và được lưu trữ vào kho dữ liệu chung. Kho dữ liệu chung của hệ thống cung cấp đầy đủ các mẫu báo cáo theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP và theo yêu cầu của đơn vị sử dụng.
Thanh tra Chính phủ đánh giá, dù tình hình KNTC vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khi thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, tình hình KNTC nhìn chung được kiểm soát; công tác TCD, giải quyết KNTC có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TCD được cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm.
Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết KNTC nhất là các vụ việc phức tạp, đông người tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã được nâng lên và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, qua đó nhiều vụ việc KNTC được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về TCD, giải quyết KNTC và pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân tiếp tục được quan tâm rà soát và hoàn thiện.
Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá, quá trình giải quyết KNTC đã có sự linh hoạt, áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở; đặc biệt là công tác hòa giải, tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết KNTC đã được chú trọng hơn, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, cũng như các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh trong nhân dân.
Tăng cường hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC hết hợp với kiểm tra, thanh tra, giám sát
Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay cũng như quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhanh kéo theo nhiều hệ lụy như người dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, môi trường tự nhiên ô nhiễm,… do vậy trong thời gian tới, tình hình KNTC vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực, như quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội,… Cùng với việc các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, những phần tử xấu tiếp tục lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền KNTC để xúi giục, lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện vượt cấp, chống người thi hành công vụ, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trước tình hình đó, cần thiết phải tăng cường hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC, Thanh tra Chính phủ cho rằng bộ, ngành, địa phương nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC đến mọi tầng lớp nhân dân để hiểu về quyền và trách nhiệm của mình khi KNTC, hạn chế tình trạng KNTC không có căn cứ, vượt cấp.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc từ cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp; có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra khiếu nại tồn đọng, kéo dài do lỗi chủ quan. Lấy hiệu quả giải quyết KNTC là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên và làm cơ sở để xem xét bổ nhiệm cán bộ.
Tiếp đó, cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TCD, giải quyết KNTC, các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, nhà ở, đầu tư, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội,… bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, ổn định và phù hợp thực tiễn.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực nhằm hạn chế phát sinh KNTC. Chú trọng công tác hòa giải, vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và chấm dứt việc KNTC không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, KNTC.
Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác TCD và giải quyết KNTC, trong đó có việc thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật; trách nhiệm thực hiện công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về TCD và giải quyết KNTC.
Tiếp tục phát huy vai trò, tạo điều kiện để Hội luật gia, Liên đoàn luật sư Việt Nam tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác TCD, giải quyết KNTC, cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí, tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân.
Ngoài ra, cần chú trọng kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục ý thức trách nhiệm, đồng thời quan tâm đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác TCD và giải quyết KNTC đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đi cùng với đó là kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; bố trí trụ sở, trang bị phương tiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia trong công tác TCD, giải quyết KNTC./.