Trong thời gian qua các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; năng lực của cán bộ, công chức trong tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng cao, từ đó đảm bảo xử lý kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đóng góp tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng (chiếm hơn 90% đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) vẫn tồn tại nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, giải quyết chưa thấu tình, đạt lý. Điều này không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của dân đối với chính quyền địa phương.
|
|
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết KNTC |
Trước những thách thức này, xuất phát từ thực tiễn, Thanh tra tỉnh đã đề xuất một số nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới:
Trước tiên, cần phải quán triệt sâu sắc, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Từ chuyển biến nhận thức này để thấy rõ trách nhiệm, bổn phận của người cán bộ, công chức, trách nhiệm của đảng viên trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Trong đó, người đứng đầu các cấp phải xem công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Việc tiếp công dân phải được quan tâm cao hơn nữa - tiếp dân ngay từ cơ sở, khi mới phát sinh những việc nhỏ để nắm bắt tình hình và kịp thời có hướng chỉ đạo xử lý, giải quyết, không để phát sinh thành vụ việc phức tạp; phải đi sâu, đi sát với tâm tư, nguyện vọng người dân, đặt vị trí, vai trò của mình vào “chỗ đứng”, vào tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của người dân để kịp thời hướng dẫn, giải thích cho công dân hiểu các quy định của pháp luật về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân; phải xác định tinh thần phục vụ nhân dân, không vô cảm trước những tâm tư của người dân để thẳng thắng, công khai, minh bạch trong việc tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với công dân. Không ngại khó, né tránh, đùn đẩy và kịp thời sửa sai đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, xử lý nghiêm việc thực thi pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ hơn, phù hợp hơn với thực tiễn của từng ngành, địa phương. Điều này không chỉ giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý vững chắc trong xử lý mà còn giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực gắn liền với đời sống nhân dân; đánh giá và tìm hiểu các bất cập, tồn tại, thiếu sót trong thực hiện pháp luật, các thủ tục hành chính để có biện pháp hoàn thiện, nâng cao tính minh bạch, công khai, để hiểu đối với các thủ tục này để người dân dễ dàng tiếp cận và cũng đồng thời hạn chế việc sách nhiễu, tiêu cực, phát sinh tham nhũng vặt của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân cần phải nghiên cứu, đánh giá lại hiệu quả cách thức, phương pháp đã thực hiện để đổi mới hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, công tác không chỉ dừng lại ở việc phổ biến mà phải tạo điều kiện để người dân thực sự hiểu và áp dụng pháp luật vào đời sống, nhất là hướng tới việc trao đổi, giải thích cho công dân đối với các văn bản pháp luật như: đất đai, nhà ở, xây dựng, lâm nghiệp, các thủ tục hành chính…. nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo cho pháp luật gần dân để người dân biết và thực hiện đúng. Thông qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó chấp hành pháp luật về KNTC, giảm thiểu các khiếu nại, tố cáo không đúng.
Bố trí cán bộ tiếp công dân phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có đạo đức, có uy tín, kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, nắm chắc vụ việc. Cần đào tạo bài bản hơn nữa về kỹ năng tiếp công dân (kỹ năng lắng nghe, kỹ năng gần dân tạo niềm tin, kỹ năng ghi chép, xử lý đơn đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân nhưng cũng phải đảm bảo đúng trọng tâm nội dung các hành vi, quyết định hành chính bị khiếu nại, tố cáo để giải quyết đứt điểm).
Công tác phân loại, xử lý đơn thư phải chặt chẽ, xác định đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; xác định và phân loại đúng nội dung đơn; việc hướng dẫn, giải thích, chuyển đơn phải đúng trình tự, thủ tục, tránh lòng vòng, sai thẩm quyền.
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC; đặc biệt nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực đất đai, môi trường, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng,… và các vấn đề mới nảy sinh được dư luận và Nhân dân quan tâm.
Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và các kết luận nội dung tố cáo, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phải nắm chắc tình hình, diễn biến phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ cơ sở để xử lý kịp thời, tránh phát sinh điểm nóng, đông người, phức tạp - công tác này đòi hỏi các địa phương cần phải tổ chức tiếp dân ngay tại cơ sở, định kỳ và thường xuyên đúng theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để xử lý kịp thời và hiệu quả các khiếu nại, tố cáo, từ đó giảm thiểu các vụ việc đông người, phức tạp, vượt cấp, kéo dài và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân.
Cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đảm bảo chặt chẽ, có chiều sâu hơn nữa giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng với các cơ quan, ban ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin về tiếp công dân, giải quyết KNTC, đảm bảo chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hồ sơ, tài liệu tiếp công dân, giải quyết KNTC. Thực hiện tốt chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật.