Thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo kịp thời và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Việc tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của Bộ luôn tuân thủ đúng quy trình, thủ tục. Những vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ đều được giải quyết nhanh chóng, triệt để. Đối với các vụ việc khác đều được cán bộ tiếp công dân giải thích, hướng dẫn hoặc chuyển đơn của người dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Do đó, Bộ Công Thương không có tình trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp.
Khiếu nại, tố cáo đến từ nhiều nguyên nhân
Theo Bộ Công Thương, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình, kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ là không nhỏ, các vụ việc nằm trong thời điểm giãn cách xã hội đều phải dịch chuyển thời gian thực hiện hoặc phải làm việc trực tuyến, qua điện thoại. Điều này khiến cho công tác giải quyết chưa được tổng thể, bao quát, làm chậm quá trình giải quyết. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được không chế, các vụ việc đều đã được xem xét, giải quyết triệt để, đảm bảo đúng quy định.
Bộ Công thương cũng nhận định, tình trạng khiếu nại, tố cáo đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân do cơ chế chính sách, chế độ tiền lương, bảo hiểm của người lao động...; có nguyên nhân do yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp; hoặc đến từ phía người tố cáo chưa thực sự hiểu biết pháp luật, cố tình gửi đơn không đúng thẩm quyền, gửi đến nhiều nơi. Cá biệt, có một số trường hợp không chấp nhận giải thích của cán bộ tiếp dân, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, tố cáo không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết... Bên cạnh đó, người khiếu nại, tố cáo còn chưa thực sự nắm vững pháp luật, chưa có đủ tư vấn về pháp lý, còn tâm lý e ngại, sợ ràng buộc về mặt pháp lý nếu khởi kiện ra Tòa án hành chính. Do đó, dù không đồng ý với kết quả giải quyết nhưng không muốn khởi kiện ra toà án mà lựa chọn tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Thậm chí có những trường hợp dù không cung cấp được thêm bằng chứng, nội dung, tình tiết mới, hoặc bằng chứng, nội dung, tình tiết mới không rõ ràng, không đủ tính pháp lý để làm cơ sở tiếp tục xem xét giải quyết nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo, chây ì gây khó khăn, lãng phí, mất thời gian để kéo dài vụ việc.
Trùng thời điểm Bộ Công Thương đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức của các Cục Quản lý thị trường tại các địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Bộ Công Thương trong thời gian qua.
Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được gửi đến Bộ Công Thương từ nhiều nguồn khác nhau: đường bưu điện, gửi trực tiếp tại Trụ sở tiếp dân của Bộ Công Thương, từ phiếu chuyển đơn của các cơ quan khác... Nội dung đơn phản ánh trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội, hành chính..., có những nội dung đơn phản ánh có cơ sở, có những đơn phản ánh đúng một phần, có những đơn phản ánh đúng về mặt hiện tượng nhưng không đúng về mặt bản chất, có những đơn vu khống, bôi nhọ cán bộ, công chức... Theo phân cấp quản lý, đối với những đơn không thuộc thẩm quyền xử lý, Bộ Công Thương chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn người viết đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyên. Đối với những đơn theo phân cấp thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị thuộc Bộ đều được Bộ Công Thương giao các đơn vị chủ trì xử lý kịp thời.
|
|
Giai đoạn tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức của các Cục Quản lý thị trường tại các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Bộ Công Thương |
Phối hợp chặt chẽ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo theo dõi, tiến hành xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Quá trình xem xét, giải quyết đơn thư thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Bộ.
Bộ Công thương đã xây dựng Quy trình tiếp công dân, Quy trình xử lý đơn thư nhằm đảm bảo công tác tiếp công dân, công tác xử lý đơn thư được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Trình độ của công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo không ngừng được nâng cao. Việc tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao việc tuyên truyên, phổ biến và lồng ghép hướng dẫn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lóp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị khi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, hạn chế được khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Theo số liệu báo cáo của Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công thương đã tiếp 7 lượt/6 vụ việc, trong đó có cả những vụ việc tiếp nhiều lần. Tiếp nhận 292 đơn với 90 vụ việc (có 40 đơn với 11 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, 127 đơn với 60 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc Bộ, 125 đơn liên quan đến 75 vụ việc phản ánh trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội, hành chính... thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác);
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tập trung xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền và các quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm không đế tồn đọng các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Sau khi ban hành các kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao, đôn đốc các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện các kiến nghị được nêu tại kết luận, quyết định giải quyết đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định và phân cấp thẩm quyền. Cụ thể: (1) Về xử lý tài chính: Bộ chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với các Cục, Vụ chức năng theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị thu hồi các khoản chi sai, chi không đúng quy định theo các kết luận giải quyết tố cáo; (2) Về xử lý công tác cản bộ: Bộ đôn đốc, yêu cầu các đơn vị theo phân cấp quản lý xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm theo kết luận giải quyết tố cáo. Đồng thời, giao Thanh tra Bộ phối họp với Vụ Tổ chức cán bộ tiến hành xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân để xảy ra sai phạm thuộc thấm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp
Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên trong thời gian tới, Bộ Công thương dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ vẫn tiếp tục phát sinh. Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể như: Tăng cường phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; các kết luận, chỉ đạo của Tổ công tác theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và kết quả thực hiện kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.
Tập trung xử lý đơn thư, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương trong việc tiếp công dân để nhằm hạn chế các điểm “nóng”, cũng như phối hợp với các đơn vị cơ sở để hướng dẫn nghiệp vụ và cùng giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân. Qua thực tiễn tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời có kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước đẻ khắc phục những sở hở, bất cập trong chính sách, pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tổ cáo. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài, đặc biệt những nước có đặc thù kinh tế, xã hội tương đồng với Việt Nam. Chú trọng hơn đến đời sống cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do đây là công tác có đặc thù phức tạp, có nhiều áp lực, dễ gây căng thẳng cho cán bộ trong quá trình làm việc. Đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, trạng thái tâm lý thoải mái cho công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu cải tiến, hướng dẫn sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo./.