Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước (gọi chung là người đứng đầu cơ quan) là người có vai trò lãnh đạo, chỉ huy, gánh vác các trách nhiệm, tổ chức thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của cơ quan theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan là toàn bộ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Nhà nước giao cho người đứng đầu cơ quan, trong đó, có trách nhiệm tiếp công dân đã được cụ thể hóa trong Luật Tiếp công dân năm 2013 và những văn bản hướng dẫn thi hành. Người đứng đầu cơ quan nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất của người đứng đầu
Tiếp công dân là việc chủ thể có thẩm quyền theo quy định pháp luật đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đồng thời có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh và đảm bảo hiệu quả của công tác tiếp công dân, ngoài việc quy định quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm của người tiếp công dân và các quy định cụ thể về tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, trụ sở tiếp công dân các cấp, Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình (như: ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân; phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân; có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân và báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền).
Cũng theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Thông tư 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy trình tiếp công dân thì người đứng đầu cũng có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình và thực hiện tiếp công dân đột xuất đối với các vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau hoặc những vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị.
Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân. Việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải được công chức, viên chức giúp việc ghi chép đầy đủ vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi tiếp công dân.
Bên cạnh đó, khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải thực hiện đúng trách nhiệm của người tiếp công dân theo quy định tại Điều 8, Luật Tiếp công dân năm 2013.
Chưa đảm bảo số ngày tiếp công dân theo quy định
Thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng việc xây dựng kế hoạch, lịch và tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Một số địa phương, Chủ tịch UBND các cấp chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng đã quan tâm kiện toàn Ban tiếp công dân, bố trí trụ sở tiếp dân, có kế hoạch, lịch tiếp công dân, sau khi tiếp dân cơ bản đã ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết theo quy định của Luật Tiếp Công dân. Các địa phương, bộ, ngành cũng đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần tạo chuyển biến đáng kể trong công tác này.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2021, có 309.598 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 21,9% so với năm 2020), với tổng số người được tiếp là 327.983 người, về 238.510 vụ việc (giảm 21,9%), có 2.451 đoàn đông người (giảm 29,8%), riêng thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 88.755 lượt người, về 90.965 vụ việc, có 992 đoàn đông người. Trong đó, thủ trưởng trực tiếp tiếp 70.928 lượt (chiếm 79,9% tổng số lượt tiếp), ủy quyền tiếp 17.827 lượt (chiếm 20,1% tổng số lượt tiếp). Các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ Thủ trưởng tiếp công dân trực tiếp cao: Hòa Bình, Ninh Thuận, Kon Tum, Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công thương...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiếp công dân, song việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân; thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài…; trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Trong kỳ báo cáo, qua việc tiến hành 7.531 cuộc thanh kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 12.339 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với 2.059 tổ chức, 3.472 cá nhân có hành vi vi phạm trong thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua kiểm tra việc thực hiện 2.485 kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đã kiểm điểm trách nhiệm 1.329 tổ chức, 2.064 cá nhân.
Cũng theo chuyên đề giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, chỉ tính riêng trong năm 2021, việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp hầu hết không bảo đảm số ngày tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp Công dân. Số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp tính trung bình trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật Tiếp công dân; nhiều địa phương Chủ tịch UBND các cấp ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc các Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tiếp công dân… tiếp thay. Vẫn còn tình trạng ở một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thường xuyên công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có nơi còn để xảy ra một số thiếu sót trong thực hiện các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu
Để góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng các các cấp, các ngành để kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, hiện nay, khoản 2, Điều 18 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng, tuy nhiên, trên thực tế, việc ủy quyền cho cấp phó trong tiếp công dân diễn ra thường xuyên ở nhiều cơ quan, đơn vị. Do đó, cần có quy định hướng dẫn phân định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với tiếp công dân thường xuyên của cán bộ tiếp dân và việc ủy quyền cho cấp phó của người đứng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân và làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác tiếp công dân nói chung và tiếp công dân của cá nhân người đứng đầu nói riêng./.