Người dân hiểu và tin vào chính sách pháp luật - Khiếu kiện vượt cấp, kéo dài được hạn chế

Thứ tư, 20/12/2023 09:10
(ThanhtraVietNam) - Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp số 02, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ (TTCP), Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức hội nghị tập huấn trao đổi kinh nghiệm với các luật sư, luật gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Trợ giúp pháp lý trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp

Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, thực hiện kế hoạch 733/KH-TDTW ngày 12/5/2023 của Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương về việc phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII và Kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quán triệt kế hoạch và tập hợp đội ngũ luật sư của 6 Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nam) để triển khai từ ngày 22/5 đến hết ngày 31/12/2023 với 180 luật sư tham gia.

Tính đến ngày 15/12/2023 đã có 154 luật sư tham gia tư vấn ở Trụ sở tiếp công dân Trung ương với 520 lượt tư vấn. Các lĩnh vực tư vấn của luật sư bao gồm: Tư vấn pháp luật, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, chính sách đãi ngộ đối với người có công, trong đó có khoảng 70% vụ việc liên quan tới các quan hệ pháp luật đất đai.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị tập huấn trao đổi kinh nghiệm với các luật sư, luật gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương

Các vụ việc thường có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau như quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật tố tụng, quan hệ pháp luật thi hành án dân sự, quan hệ pháp luật đất đai, thừa kế.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong quá trình luật sư tham gia tiếp công dân tại Trụ sở, các luật sư đã thực hiện đúng trách nhiệm nghề nghiệp, đã trợ giúp pháp lý một cách trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý của các luật sư tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở TP Hà Nội được TTCP phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho luật sư thực hiện các hoạt động tư vấn cho người dân theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN, Ban TCDTW, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia đồng chủ trì hội nghị

Điều dễ nhận thấy, thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý của luật sư, người dân đi khiếu kiện đã có cơ hội tiếp cận với dịch vụ pháp lý của luật sư, qua đó người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của họ trong các quan hệ pháp lý. Luật sư đã giải thích rõ cho người dân về trình tự thủ tục khiếu kiện, quyền nghĩa vụ khi khiếu kiện. Từ đó, giúp cho họ biết là việc khiếu kiện có phù hợp với pháp luật hay không? Và có nên tiếp tục khiếu kiện nữa hay không? Nếu thời hiệu, thời hạn theo quy định của pháp luật đã hết hạn.

Luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở luôn được cán bộ phụ trách tại Trụ sở tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm, đảm bảo an ninh, an toàn để luật sư thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, khi luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương vẫn còn một số khó khăn, cụ thể: Các vụ việc dân khiếu kiện rất đa dạng, đa số khiếu kiện về đất đai, về giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, tranh chấp nhà ở, khiếu kiện quyết định hành chính, tới việc thi hành các bản án dân sự, hình sự… mà thời gian nghiên cứu vụ việc của luật sư ít nên chất lượng tư vấn còn ở mức độ nhất định. Đồng thời, các vụ việc khiếu kiện thường phức tạp, keó dài, được giải quyết qua nhiều cơ quan, nhiều cấp tồn đọng, do đó luật sư rất cần nhiều thời gian để nghiên cứu.

Tư vấn miễn phí cho công dân, để người dân tin tưởng vào pháp luật, vào chính quyền

Việc giải quyết khiếu kiện ở cấp chính quyền cơ sở thường xuyên không làm tốt ngay từ đầu, từ các khâu tuyên truyền, phổ biến về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cho đến việc giải quyết không triệt để của các cấp chính quyền. Sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều cơ quan còn chưa chặt chẽ. Sự kiểm soát của các cấp lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa sâu sát hiệu quả, đã dẫn đến còn nhiều vụ việc giải quyết kéo dài, tồn đọng.

 
leftcenterrightdel
 Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá, việc khiếu nại, tố cáo của người dân hiện nay phần lớn là không hiểu thẩm quyền, không rõ thủ tục, giải quyết trong các quan hệ pháp luật. Do đó, ông Thịnh cho rằng, khâu đầu tiên để giải quyết khiếu nại, tố cáo tận gốc là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ người dân, quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quan hệ pháp luật có liên quan đến lợi ích hợp pháp của người dân, “mỗi luật sư phải trở thành tuyên truyền viên”. Mỗi luật sư phải làm như thế nào để người dân hiểu được quyền, lợi ích hợp pháp của họ và họ cũng phải có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật. Nếu người dân hiểu và tin vào chính sách pháp luật thì việc khiếu kiện sẽ ít dần đi.

Tại hội nghị này, chia sẻ kinh nghiệm tiếp công dân, tư vấn pháp lý cho công dân trại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, muốn làm tốt tiếp dân thì cần gắn giữa công tác tiếp dân với việc giải quyết. Trong quá trình tiếp dân, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng mong các luật sư, luật gia tâm huyết và khắc phục những khó khăn vướng mắc khi tư vấn miễn phí cho công dân để người dân tin tưởng vào pháp luật vào chính quyền.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ, giải đáp cùng các luật sư, luật gia 

Các luật sư, luật gia cũng cho rằng, để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo thì cần phải giải quyết triệt để ngay tại địa phương, tại cơ sở tránh tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp. Nên có hướng dẫn cụ thể và giải quyết dứt điểm ở từng cấp, tránh chồng chéo. Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền nào từ chối việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thì cần nêu rõ lý do trên cơ sở tuân thủ pháp luật, nếu lý do không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với các vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm, UBND các cấp nên tập trung giải quyết dứt điểm, trong đó có thể huy động Đoàn luật sư, Hội luật gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khác cùng tham gia, hạn chế tối đa các vụ việc đó để đưa về cơ quan Trung ương giải quyết.

Mặt khác, việc xử lý, giải quyết KNTC của người dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương cũng cần phải được tiếp tục kiện toàn nâng cao hiệu quả, để các cơ quan giải quyết và luật sư tham gia tư vấn và trợ giúp pháp lý tiếp tục phối hợp chặt chẽ. Các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không nên để việc khiếu kiện của dân kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tình hình trật tự và an sinh xã hội nói chung.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng luật sư, lựa chọn một số vụ việc phức tạp kéo dài trên cơ sở đó thành lập tổ công tác liên ngành của 5 cơ quan tại Trụ sở phối hợp để giải quyết các vụ việc đó, có thể là giải quyết ngay tại Trụ sở hoặc có thể là về địa phương để giải quyết triệt để.

Đồng thời, mong Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tạo điều kiện thuận lợi nhất để luật sư tham gia tiếp công dân cùng với cơ quan tiếp công dân để đánh giá vụ việc, nhất là các vụ việc phức tạp đông người để luật sư có kinh nghiệm và tư vấn đạt hiệu quả hơn.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra