Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm đến công tác TCD, giải quyết KNTC
Thời gian qua, công tác TCD, giải quyết KNTC đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo đó Tổ công tác theo Quyết định 1849/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời (Tổ công tác 1849) do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Tổ trưởng nhằm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài tại các địa phương. Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch 363/KH-TTCP với các tiêu chí và các bước để địa phương chủ động thành lập Tổ công tác, lập danh sách vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài và thực hiện rà soát.
Kết quả, nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết, nhiều khó khăn được tháo gỡ, như một lẽ tự nhiên đã lan tỏa và làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác TCD, giải quyết KNTC. Cùng với đó, UBND các tỉnh đã triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; đồng thời xác định công tác giải quyết KNTC của công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành. Đối với một số vụ việc phức tạp, bí thư tỉnh ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã trực tiếp đối thoại với công dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện của công dân qua đó ổn định tình hình, đảm bảo an ninh - trật tự, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
“Theo sát” Tổ công tác 1849 từ những ngày đầu, Trưởng Ban TCD Trung ương (TCDTW) Nguyễn Hồng Điệp cảm khái, so với trước đây, tình hình khiếu kiện của công dân diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc gay gắt, đặc biệt là tại thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Có nhiều vụ việc công dân tụ tập thành đoàn đông người kéo đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, thì hiện nay tình hình chính trị ổn định, trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo, trình trạng khiếu kiện vượt cấp đến các cơ quan Trung ương và lợi dụng quyền công dân để khiếu kiện nhằm gây rối được giảm thiểu mới thấy được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác TCD, giải quyết KNTC quan trọng như thế nào.
Dẫn lời Trưởng Ban TCDTW, sau khi Tổ công tác 1849 được thành lập, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tham mưu và được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý danh sách 35 vụ việc thuộc 21 địa phương vào diện Tổ công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết. Tổ công tác đã trực tiếp làm việc tại 10 địa phương, với 24 vụ việc gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai. Hiện nay, còn 11 địa phương với 11 vụ việc Tổ công tác chưa thực hiện kiểm tra, rà soát gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Cùng với đó, các Tổ công tác của TTCP đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Luật TCD, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp tại các địa phương, qua quá trình làm việc, lãnh đạo địa phương đánh giá cao và bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo TTCP, Tổ công tác liên ngành của TTCP đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC, cũng như việc thông tin, phối hợp về kết quả, quá trình giải quyết, xử lí các vụ việc đông người, phức tạp; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Là người tham gia trong Tổ giúp việc của Tổ công tác 1849, đồng thời có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác TCD, giải quyết KNTC, Trưởng Ban TCDTW biết rõ nếu các vụ việc trong danh sách 35 vụ việc của Tổ công tác 1849 được kiểm tra, chỉ đạo giải quyết, đồng thời kiểm tra việc thực hiện các Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực - Tổ trưởng Tổ công tác sẽ nhận được sự tin tưởng, ghi nhận của người dân và có tính lan tỏa rất lớn, là cú hích làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong công tác TCD, giải quyết KNTC.
Ông Nguyễn Hồng Điệp “bật mí”, các kiến nghị đề xuất của Trụ sở TCDTW, của Ban TCDTW liên quan đến Tổ công tác 1849, Kế hoạch 363, Văn bản 3581/VPCP-V.I đều được lãnh đạo TTCP, đặc biệt là Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong quan tâm, chỉ đạo, các ý kiến chỉ đạo của Tổng TTCP rất kịp thời, rõ ràng, minh mạch, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị và thời gian cụ thể.
Quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu ngành Thanh tra
Để chứng minh, ông Điệp lấy một ví dụ, sau đề xuất của Ban TCDTW, Tổng TTCP đã chủ trì họp với các đơn vị và cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo bằng Thông báo 2294/TB-TTCP, theo đó Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập các Tổ công tác để thực hiện kiểm tra, đôn đốc 24 vụ việc đã có Thông báo kết luận của Tổ công tác 1849 và kiểm tra, rà soát 11 vụ việc chưa được Tổ công tác 1849 kiểm tra. Các Tổ công tác do Phó Tổng thanh tra Chính phủ phụ trách làm Tổ trưởng; Cục trưởng các Cục địa bàn tham mưu, xây dựng kế hoạch báo cáo, đề xuất Phó Tổng Thanh tra phụ trách thực hiện. Thời hạn kiểm tra, rà soát các vụ việc trước ngày 30/6/2022…
Trên tinh thần mà Tổng TTCP yêu cầu đối với cán bộ, công chức cơ quan TTCP phải làm việc với tinh thần “không nói không”, “không nói khó”, “không nói có nhưng không làm”, “trên nóng dưới phải nóng”, đồng bộ, kịp thời, liên tục. Ngay sau đó Ban TCDTW đã tham mưu Tổng TTCP cử Tổ công tác làm việc tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lai Châu, Tuyên Quang và thành phố Hải Phòng là các địa phương có vụ việc trong danh sách của Tổ công tác 1849 nhưng chưa được kiểm tra. Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm đã trực tiếp làm việc và kiểm tra tại Bắc Giang và Lạng Sơn, sau đó ủy quyền để Trưởng Ban TCDTW làm tổ trưởng thực hiện kiểm tra, đôn đốc tại Hải Phòng, Lai Châu và Tuyên Quang.
Qua làm việc với các địa phương, Tổ công tác của TTCP đã làm rõ các nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân, kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời đánh giá tổng thể, toàn diện trên nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, ổn định an ninh - trật tự và phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Tổ công tác đã có những kiến nghị, đề xuất “đúng” và “trúng” như việc kiến nghị Tổng TTCP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấm dứt giải quyết đối với vụ việc của ông Nguyễn Văn Huy cùng 21 công dân trú tại tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, và vụ việc bà Nguyễn Thị Hiển cùng 15 công dân phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, với khiếu kiện của nhóm công dân Vũ Bích Vân, Ong Thị Thụy, Dương Thị Nhịt đại diện 32 hộ dân trú tại khối 2, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn: KNTC liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện Dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư tại khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Tổ công tác đề nghị Tổng TTCP giao Cục I tiếp tục kiểm tra, rà soát những nội dung của công dân; đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ dân.
Tỉnh Lai Châu có vụ việc ông Hoàng Văn Mường (Mầng) và một số công dân Bản Chát, xã Mường Kim, huyện Than Uyên; ông Lò Văn Nệ và 60 công dân xã Tà Mít, thị trấn Tân Uyên, xã Pha Mu, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thủy điện Bản Chát. Tổ công tác kiến nghị Tổng TTCP không xem xét đối với các nội dung kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân đã được Tổ công tác theo Quyết định số 128/QĐ-TTCP ngày 12/3/2019 của TTCP tiến hành kiểm tra, rà soát và đã có kết quả kiểm tra, rà soát (Báo cáo số 207/BC-TTCP, ngày 17/02/2020) giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Thủy điện Bản Chát.
Đối với vụ việc của ông Phạm Công Danh và 43 công dân thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đề nghị xem xét giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tái định cư và giao bổ sung đất ở cho các hộ di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Từ kết quả kiểm tra cho thấy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết xong 15 nội dung kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân. Đối với 02 nội dung kiến nghị còn lại của các hộ dân, Tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân đồng thuận theo phương án hỗ trợ, bổ sung đất ở, đất sản xuất cho người dân theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp công dân không đồng ý với kết quả giải quyết của tỉnh đề nghị hướng dẫn công dân khởi kiện tại toà án.
Không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm là “chìa khóa” để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài
TTCP đánh giá, qua kết quả kiểm tra của các Tổ công tác, bên cạnh thành tích, kết quả đáng ghi nhận thì vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa nhận thức đúng các quy định của pháp luật về TCD, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC, đặc biệt là các quy định về thời hạn giải quyết, thẩm quyền chấm dứt các nội dung KNTC, việc từ chối TCD; trong giải quyết KNTC, các địa phương vẫn đang quan tâm đến việc giải quyết hết thẩm quyền nhưng chưa thực sự quan tâm đến giải quyết hết vụ việc.
Vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chưa quan tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh dẫn đến công dân bức xúc gửi đơn thư khiếu tố vượt cấp đến nhiều cấp, nhiều ngành. Hiệu quả thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về TCD, giải quyết KNTC chưa thực sự rõ nét. Nhân sự Ban TCD các cấp còn hạn chế nên việc thực hiện kiểm tra TCD, xử lý đơn thư đối với Ban TCD cấp huyện còn chưa thực hiện được. Năng lực, kỹ năng TCD của đội ngũ làm công tác tiếp dân ở huyện, sở, ngành còn yếu, đặc biệt là cấp xã.
Về vấn đề này, Trưởng Ban TCDTW nhấn mạnh, để tăng hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC, cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp; tăng cường đối thoại, giải quyết tốt ngay từ cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết lần đầu, quan tâm giải quyết hết nội dung vụ việc thay vì giải quyết hết thẩm quyền.
Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp cần thực hiện nghiêm việc TCD theo quy định; giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc, trước mắt tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc công dân khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương, các vụ việc do các cơ quan Trung ương, Ban TCDTW chuyển về tỉnh; phấn đấu không để phát sinh điểm “nóng” về KNTC.
Đồng thời, tăng cường đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ người dân trong quá trình giải quyết vụ việc; chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện đợt cao điểm về giải quyết KNTC, trong đó xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết dứt điểm từng vụ việc KNTC đông người, phức tạp trên địa bàn; thực hiện dứt điểm các phương án giải quyết đối với vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài đã được kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về TCD và giải quyết KNTC; tăng cường thanh tra đột xuất về kinh tế xã hội để kịp thời chấn chỉnh những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng,...
Ngoài ra, quan tâm, chú trọng đến công tác TCD, giải quyết KNTC; củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ban TCD các cấp, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và bố trí đủ số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TCD. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ TCD và giải quyết KNTC gắn với việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho công dân./.