Thừa Thiên Huế:

Nhận diện những hạn chế và nguyên nhân khi thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW

Thứ hai, 30/09/2024 09:00
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua quá trình thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên huế vẫn còn một số hạn chế đáng chú ý, đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết kịp thời từ các cấp chính quyền.

Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế và đã có những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế đáng chú ý, đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết kịp thời từ các cấp chính quyền.

Một trong những hạn chế quan trọng nhất là việc xử lý và giải quyết quyền lợi của công dân còn nhiều bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Các dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thường gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số Sở, ngành và địa phương chưa chú trọng đúng mức đến việc đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại. Điều này dẫn đến việc thiếu sự hiểu biết và đồng thuận giữa các bên, làm phức tạp thêm các vụ việc khiếu nại.

leftcenterrightdel
Một số hạn chế đáng chú ý khi thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, đòi hỏi sự quan tâm và giải quyết kịp thời từ các cấp chính quyền 

Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các ngành, gây chậm trễ trong việc xử lý các vụ việc. Nhiều trường hợp không được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp và kéo dài, gây áp lực lên các cấp quản lý cao hơn.

Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc ở một số địa phương còn hạn chế về năng lực, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lực lượng này không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng xử lý chậm trễ, không đúng trình tự, thủ tục, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Một vấn đề khác cần được quan tâm là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Có những vụ việc đã được nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết đúng chính sách, pháp luật, nhưng người khiếu nại vẫn cố tình không chấp hành, tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Cuối cùng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản liên quan ở các Sở, ngành và địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng công dân gửi đơn thư vượt cấp, mặc dù đã được hướng dẫn và trả lời.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, biến động về chính trị, xã hội và kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Sự thay đổi thường xuyên của các cơ chế chính sách và quy định pháp luật cũng dẫn đến thiếu tính đồng bộ và nhất quán. Ngoài ra, việc triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Dự án Đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Km791A+500 – Km848+875 qua tỉnh Thừa thiên Huế, Dự án mặt bằng khu công nghiệp Phong Điền Viglacera, Dự án Khu du lịch - dịch vụ ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; Dự án Green City; Dự án cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng; Dự án đường ven biển Thuận An; Dự án khu tái định cư Hồ Văn Đỗ; Dự án đường vành đai 3; Dự án chỉnh trang đường Bà Triệu,... với tổng số diện tích đất thu hồi và số hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn, đây là điểm phát triển nổi bật về kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cũng là một thách thức hết sức lớn đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh.

Một nguyên nhân quan trọng khác là sự bất cập trong cơ chế chính sách về đất đai, đặc biệt là vấn đề giá đất bồi thường so với giá thị trường. Thêm vào đó, sự chồng chéo và nhiều cách hiểu trong một số quy định pháp luật cũng dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị. 

Về mặt chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn tồn tại hạn chế, đặc biệt trong quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản và chính sách xã hội. Người đứng đầu một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong khi trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc về công tác này chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở cấp cơ sở.

Cuối cùng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể ở một số nơi chưa làm tốt vai trò tham gia hòa giải đối với các vụ việc tranh chấp, khiếu nại ngay từ cơ sở, dẫn đến tình trạng vụ việc kéo dài, phức tạp hóa.

H.T

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra