Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, việc tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, người đứng đầu đã quan tâm lắng nghe và chỉ đạo xử lý kịp thời những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của công dân; công tác xử lý đơn thư đã cải thiện, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng đúng nội dung và yêu cầu của người có đơn, giảm thiểu đáng kể tình trạng chuyển đơn lòng vòng.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được quan tâm, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý. Đặc biệt, hằng năm công tác rà soát đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài được thực hiện thường xuyên, có trọng điểm, nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Các vụ việc liên quan đến đất đai, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều phức tạp. Một số quy định pháp luật hiện hành đôi khi chưa theo kịp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng và giải quyết triệt để các vụ việc kéo dài.
|
|
Nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo |
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng đồng bộ, điều này đôi khi dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xử lý và giải quyết đơn thư. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thực hiện quyền khiếu nại không đúng, không chấp hành nghĩa vụ của người KNTC làm phức tạp thêm tình hình KNTC tại địa phương. Có thể xác định một số tồn tại, khó khăn như:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đặc biệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC đã được UBND tỉnh và một số sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện nhưng có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật sự đạt hiệu quả, nhất là việc nâng cao nhận thức cho công dân hiểu, thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình; đối với cán bộ, công chức là nâng cao về nghiệp vụ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, việc xử lý, giải quyết một số vụ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Thứ hai, đối với công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, nhận thức và kỹ năng của cán bộ tham gia công tác tiếp dân cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn nên dẫn đến một số vụ việc xảy ra ngay điểm nóng tại thời điểm tiếp dân; công tác tiếp dân của cán bộ, công chức trực tiếp tiếp dân còn qua loa, ghi nhận nội dung phản ánh, khiếu nại, tố cáo không rõ ràng nên dẫn tới khó khăn cho việc kết luận sau này, cá biệt có nhiều trường hợp đã thụ lý đơn sau khi tiếp công dân, xử lý đơn thư nhưng phải hủy kết quả thụ lý hoặc ngược lại.
Một số vụ việc xử lý không đúng quy trình, hướng dẫn, chuyển đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền nên kéo dài, gây tốn kém thời gian và nguồn lực của người dân và cơ quan nhà nước.
Một số vụ việc phức tạp chưa được theo dõi, phát hiện ngay từ cơ sở để xử lý triệt để dẫn tới khiếu nại vượt cấp, đông người. Công tác quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong việc tiếp công dân đôi lúc vẫn còn hình thức, chưa sâu sát, gần dân, tiếp cận các vấn đề trọng tâm để kịp thời chỉ đạo xử lý chặt chẽ.
Thứ ba, đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, chưa bao quát hết toàn bộ các vụ việc trên địa bàn, chưa kịp thời theo dõi, chỉ đạo giải quyết các vụ việc còn để kéo dài, quá hạn giải quyết hoặc các vụ việc phức tạp, khó khăn nên dẫn tới chất lượng giải quyết không cao, cá biệt một số trường hợp khiếu nại vượt cấp do cơ quan cấp dưới không giải quyết.
Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao; còn nhiều vụ việc áp dụng không đúng các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung pháp luật để giải quyết; giải quyết chưa “thấu tình, đạt lý” theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ nên dẫn tới phải sửa đổi, hủy bỏ kết quả giải quyết khi có khiếu nại tiếp theo hoặc khởi kiện tại cơ quan Tòa án, một số vụ việc phức tạp, kéo dài chưa thể giải quyết dứt điểm.
Vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại giữa các cấp, các ngành. Một số vụ việc giải quyết chậm, quá thời hạn theo quy định. Việc triển khai thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, kết luận nội dung tố cáo và các bản án hành chính có hiệu lực còn chậm.
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những tồn tại, hạn chế, vi phạm còn chưa nghiêm.