Bên cạnh đó, số vụ việc có sự tham gia của luật sư hoặc có nhiều đối tượng khác nhau và số vụ việc khởi kiện ra toà hành chính có xu hướng tăng. Năm 2024 là năm nửa cuối nhiệm kỳ, dự báo sẽ xuất hiện nhiều đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) yêu cầu công chức tham gia công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh phải nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và nắm vững các quy định của pháp luật.
Tiếp tục gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ GDĐT duy trì và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. Tiếp tục gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh và bảo vệ người tố cáo;
Tiếp tục phối hợp thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh và bảo vệ người tố cáo; bảo đảm an ninh trật tự tại trụ sở cơ quan Bộ GDĐT; bổ sung cơ sở vật chất phục vụ Phòng Tiếp công dân.
Bên cạnh đó, kịp thời giải quyết đơn, nắm tình hình các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh phức tạp, vượt cấp. Tập trung giải quyết các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền bảo đảm khách quan, theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC, kiến nghị, phản ánh để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc tiếp công dân và giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ người tố cáo.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh và bảo vệ người tố cáo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
|
|
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh minh họa: Internet |
Cần có quy định cụ thể về việc công dân đăng ký được người đứng đầu tiếp
Bộ GDĐT đề xuất, cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân đối với quy định trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với đặc thù công việc của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; quy định cụ thể về việc công dân đăng ký được người đứng đầu tiếp đột xuất và tiếp định kỳ; việc có quyền từ chối tiếp công dân đối với những công dân cố tình đến các cơ quan nhà nước đòi được người đứng đầu cơ quan tiếp để đưa đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh kéo dài, không thuộc thẩm quyền giải quyết; sửa đổi quy định lịch tiếp công dân của Bộ trưởng phải “niêm yết chậm nhất là 05 ngày làm việc, trước ngày tiếp công dân” tại khoản 4 Điều 24 Luật Tiếp công dân cho phù hợp với thực tiễn;
Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đối với quy định về thời hạn kiểm tra điều kiện thụ lý đơn KNTC có nhiều nội dung phức tạp để phù hợp với thực tiễn;
Không chỉ vậy, cần có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về việc giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các loại quyết định hành chính nội bộ trong quản lý điều hành không thuộc đối tượng bị khiếu nại; việc xử lý các khiếu nại của công dân đối với một số loại văn bản đặc thù, như kết luận nội dung tố cáo, văn bản thông báo không thụ lý giải quyết KNTC; xử lý các đơn thư gửi qua hộp thư điện tử, thông tin qua điện thoại;
Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP, bổ sung đối tượng “viên chức” được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh, bảo đảm bình đẳng giữa công chức, viên chức trong việc cùng thực hiện cùng một nhiệm vụ; sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định về việc tiếp công dân thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp công lập là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập cho phù hợp với tình hình thực tiễn;
Ngoài ra, cần có văn bản quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, ngành về tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh đối với vụ việc liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị và vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh kéo dài, phức tạp;
Theo Bộ GDĐT, mức chi trả phụ cấp cho người làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Thông tư số 320/2016/TT-BTC đã ban hành được gần 08 năm, không còn phù hợp với thực tiễn; chưa quy định đầy đủ đối tượng được chi trả phụ cấp ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, đề nghị Thanh tra Chính phủ có kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 320/2016/TT-BTC cho phù hợp với thực tế ở các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng mức phụ cấp để khuyến khích, thu hút những người am hiểu sâu về pháp luật tham gia công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh/.