Công tác hòa giải ở cơ sở trong 10 năm qua trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt, từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, đã tạo sức lan tòa trong cộng đồng dân cư, ngày càng phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo ổn định, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Những mô hình, cách làm hay, điển hình trong công tác hòa giải
Qua thực tiễn 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, trong công tác tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, tùy tình hình địa bàn của mỗi quận, huyện, công tác tập huấn được chia nhỏ theo từng địa bàn (thay vì tổ chức chung 01 lớp), thuận tiện cho việc tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hòa giải. Trong từng đợt tập huấn, tùy vào tình hình địa bàn, cụm dân cư, nếu có những tranh chấp, mâu thuẫn thực tế xảy ra và còn gặp khó khăn trong giải quyết, ngành Tư pháp tổ chức mời đại diện ngành Tòa án, Tài nguyên môi trường cùng tham gia trao đổi tại các buổi tập huấn hoặc qua hình thức tổ chức Diễn đàn lồng ghép thành một chuyên đề trong đợt tập huấn.
Để trao đổi thông tin, tiếp thu những phản ánh từ hòa giải viên cơ sở, lãnh đạo Sở Tư pháp phân công phòng chuyên môn trực tiếp tham gia và tham dự tại các buổi tập huấn. Từ đó, hướng dẫn, nắm tình hình, tổng hợp những kiến nghị, phản ánh từ hòa giải viên trực tiếp làm công tác này để báo cáo, tham mưu, hướng dẫn kịp thời.
Nhìn chung, công tác hòa giải ở cơ sở là hình thức vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ ở cơ sở, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có việc tự giải quyết một số mâu thuẫn tranh chấp, phát sinh trong đời sống Nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật. Xác định hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Tác động xã hội của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng, với cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là các quyền của hòa giải viên được chú trọng, tạo thuận lợi trong việc phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ này. Các chính sách hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên cơ bản đảm bảo các điều kiện hoạt động.
Luật Hòa giải ở cơ sở quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Tổ trưởng tổ hòa giải và hòa giải viên. Nghị định hướng dẫn Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành kịp thời nên việc áp dụng được thuận tiện, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong Nhân dân được nhanh chóng, tiện lợi, tạo được sự đoàn kết, giải tỏa mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân giảm chi phí và thời gian so với khởi kiện tại Tòa án.
Đa số người dân không muốn địa phương hòa giải
Thực tiễn 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, công tác hòa giải vẫn còn mang nặng tính tự thỏa thuận và sự ghi nhận chứng kiến của tổ hòa giải chưa có tính chất ràng buộc theo quy định của pháp luật. Các bên tranh chấp có thể không thực hiện cam kết đúng theo tinh thần ghi nhận trong biên bản của tổ hòa giải. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải thấp chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu trang thiết bị làm việc; chưa thực sự tạo điều kiện cho đội ngũ hòa giải viên an tâm tham gia vào hoạt động. Hòa giải viên hoạt động chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, nên còn một số bộ phận thiếu chủ động và nhiệt tình trong hoạt động hòa giải. Mặc khác, chưa có chính sách thu hút để huy động được các luật gia, luật sư, những người làm công tác liên quan đến pháp luật đã nghỉ hưu tại địa bàn phường tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Mặt khác, kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số hòa giải viên còn hạn chế, nhiều hòa giải viên lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên hòa giải viên thường ngại va chạm, từ đó mục đích hòa giải không đạt được. Ngày nay, đa số người dân không muốn địa phương hòa giải, mà chỉ yêu cầu chuyển Tòa án giải quyết nên việc vận động đương sự cũng gặp khó khăn.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, nguyên nhân của những hạn chế trên được xác định là do một số địa phương chưa chủ động củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở còn kiêm nhiệm nên cũng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động hòa giải tại địa phương. Bên cạnh đó, các mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải trong Nhân dân có tính chất ngày càng phức tạp; nguồn nhân lực thực hiện công tác hòa giải cơ sở còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động, chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghệ thông tin.
Đối với nguyên nhân xuất phát từ các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xác định, thể chế, chính sách về hòa giải ở cơ sở có chỗ chưa phù hợp; quản lý nhà nước còn bất cập, chưa thực sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa thường xuyên, thiếu chủ động, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở một số địa phương đôi lúc chưa thật sự quan tâm, chưa xác định hoặc xác định chưa đầy đủ, trọng tâm, trọng điểm phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất chưa đáng kể, không đồng đều, thiếu thống nhất; chưa huy động được nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ cho hòa giải ở cơ sở.
Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ cho hòa giải viên
Để công tác hòa giải ở cơ sở đi vào chiều sâu, hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, trong thời gian tới, về hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo Điều 7 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở: "Trong trường hợp chưa xác định được vụ việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không, thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp – hộ tịch hướng dẫn ”, tuy nhiên, lại chưa quy định rõ trách nhiệm hỗ trợ của cán bộ, công chức và các cơ quan khi hòa giải viên muốn tìm hiểu thông tin liên quan để giải quyết vụ việc. Do đó, cần thiết có quy định về vấn đề này để hỗ trợ hòa giải viên trong quá trình tìm hiểu, thực hiện hòa giải vụ việc được thuận lợi, thành công; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở.
Mặt khác, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC- BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng tăng mức chi cho vụ việc hòa giải thành; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn mức chi cho Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai của phường.
Về tổ chức thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, cần có các biện pháp, chế tài mang tính pháp lý, ràng buộc sự cam kết thực hiện thòa thuận giữa các bên tranh chấp trong biên bản đã được ghi nhận của tổ hòa giải.
Đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo đối với công tác hòa giải ở cơ sở
Để nâng cao hiệu quả cũng như khắc phục những mặt còn hạn chế sau kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã đề ra một số biện pháp. Cụ thể, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên nhằm tạo mạng lưới hòa giải viên làm tốt công tác hòa giải, có hiểu biết pháp luật và kỹ năng truyền dạt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kỹ năng hòa giải thông qua các hoạt động như thi hòa giải viên giỏi, học hỏi kinh nghiệm.
Đồng thời, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước và hòa giải viên; tạo điều kiện cho các hòa giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, duy trì thường xuyên chế độ kiểm tra, báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động hòa giải; đề xuất khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc. Nhân rộng các mô hình hòa giải có hiệu quả, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên cả về mặt tổ chức và chất lượng, kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 80%, đã góp phần không nhỏ trong giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ ở cơ sở. Có thể khẳng định, công tác này đã thật sự góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm, tác động thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.