Công tác dân nguyện của Quốc hội:

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Dân nguyện và Thanh tra Chính phủ

Thứ ba, 27/02/2024 14:35
(ThanhtraVietNam) - Đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của các địa phương, Ban dân nguyện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với những vụ việc đã được rà soát, rà soát nhiều lần thì đề nghị phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương tuyên truyền, vận động công dân chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước

Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2023 và tháng 01/2024. Theo đó, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Công tác thăm hỏi, tặng quà, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, thiết thực, đảm bảo cho người dân được vui tươi đón tết đầm ấm, vui vẻ.

Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ, cử tri cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực mới được phát hiện; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đem lại niềm tin cho Nhân dân.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo, trong tháng 12/2023 và tháng 01/2024, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 11/2023. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 665 lượt với 1.344 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 665 vụ việc và có 37 lượt đoàn đông người.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc Hội Trần Quang Phương thăm, chúc Tết và làm việc với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (ảnh đứng). Ảnh: CTV 

Đáng chú ý, trong kỳ báo cáo và trong thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Địa điểm Tiếp công dân của Quốc hội và Trụ sở Tiếp công dân Trung ương về cơ bản đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; không gây ra các vụ việc, tình huống phức tạp về an ninh trật tự.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng những người khiếu kiện kéo dài tại Hà Nội hàng ngày tập trung từ 40 đến 60 người di chuyển từ 2 đến 4 lần/ngày đến trung tâm chính trị Ba Đình để căng băng rôn, biểu ngữ có in nội dung khiếu  kiện, sử dụng loa cầm tay la hét và sử dụng mạng xã hội để truyền phát trực tiếp các bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động khiếu kiện để gây sức ép đối với các cơ quan ở Trung ương.

Làm tốt công tác phối hợp, vận động công dân trở về địa phương

Về công tác phối hợp, thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, Ban Dân nguyện đã phối hợp chặt chẽ với với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tiếp công dân; bố trí thêm cán bộ, công chức tiếp công dân đầy đủ trong tất cả các ngày làm việc; tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về tiếp công dân, về khiếu nại, tố cáo cũng như nội quy của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, không tập trung đông người đến các khu vực, mục tiêu bảo vệ và trung tâm thành phố Hà Nội để gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng người đi đường và bản thân người khiếu kiện.

Đồng thời, đã liên hệ với UBND các tỉnh, thành phố có công dân khiếu kiện đông người, phức tạp tại Thủ đô Hà Nội để cùng vận động công dân trở về địa phương, tránh để các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng lôi kéo, kích động, tránh diễn biến phức tạp, nhất là vào những ngày trước, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Nhờ vậy, tính đến ngày 14/02/2024 (04/01/2024 âm lịch), các cơ quan chức năng đã vận động được 124 công dân của 33 tỉnh, thành phố trở về địa phương và đã có 43 công dân của 17 địa phương ký nhận tiền hỗ trợ tàu xe với số tiền 39,5 triệu đồng để cam kết trở về địa phương, không lưu trú lại Hà Nội.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho biết, trong kỳ các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 592 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 597 vụ việc và có 31 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 73 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 508 vụ việc.

Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và xử lý được 4.829 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến; trong đó có 951 đơn đủ điều kiện xử lý, 3.878 đơn không đủ điều kiện xử lý đã thực hiện lưu đơn theo quy định. Qua nghiên cứu 951 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 585 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 157 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 77 đơn, tiếp tục xếp lưu 132 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và nhận được 271 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát đối với 09 vụ việc.

Cũng trong báo cáo, Ban Dân nguyện kiến nghị đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của các địa phương, theo đó đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với những vụ việc đã được rà soát, rà soát nhiều lần thì đề nghị phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương tuyên truyền, vận động công dân chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Về một số vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, đề nghị địa phương chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở Trung ương tổ chức tiếp, đối thoại tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thụ lý, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền); tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ. Thông tin, kết quả giải quyết đề nghị khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồng Đăng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra